Đoan Trang - Thầy Thích Viên Lý, trụ trì chùa Điều Ngự (Westminster, California), khẳng định như vậy khi nói về tình trạng tự do tôn giáo bị chà đạp liên miên ở Việt Nam nhiều năm qua. Ông là đại diện của Tăng đoàn Giáo hội Việt Nam Thống nhất Hải ngoại trong một phái đoàn Phật tử đến trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York gần đây để vận động cho nhân quyền Việt Nam.
Hòa thượng Thích Viên Lý thứ ba từ trái sang
Thầy có thể cho biết mục đích chuyến đi vận động của phái đoàn?
Mục đích của việc vận động là giúp cho những nhân chức của Cao ủy Nhân quyền LHQ hiểu rõ hơn về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Tất nhiên, là một cơ quan đảm trách về bảo vệ nhân quyền, chắc chắn Cao ủy đã tìm hiểu để có thể biết rõ quốc gia nào tôn trọng, quốc gia nào không tuân thủ những gì họ đã cam kết - ví dụ Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị. Tuy nhiên, về phía người Việt Nam chúng ta, nếu chúng ta là nạn nhân mà lại không trực tiếp trình bày để giới chức LHQ hiểu một cách toàn triệt về những gì đang xảy ra ở Việt Nam thì rõ ràng là ta chưa làm tròn trách nhiệm công dân của mình, lương tâm của chúng ta sẽ vô cùng cắn rứt.
Quan trọng hơn, đồng bào ta trong nước, nếu bị chà đạp, cũng thấp cổ bé họng không làm sao cho thế giới biết được. Còn cộng đồng người Việt ở đây (California) thì có đầy đủ phương tiện, được tự do ăn nói, tự do đi lại. Cho nên, nếu chúng tôi không làm hết sức để bênh vực cho người trong nước, bảo vệ các quyền mà LHQ đã quy định và chính phủ Việt Nam đã ký cam kết tôn trọng, thì sẽ là vô cùng thiếu sót, không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình.
Đó là lý do tại sao sau khi có những vụ vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo xảy ra tại Việt Nam thời gian qua, chúng tôi đã quyết định tiến hành cuộc vận động này.
“Không bao giờ kỳ vọng quá mức”
Lâu nay có một ý kiến, có lẽ cũng là băn khoăn của nhiều người hoạt động nhân quyền trong nước, là: Chúng ta đi vận động nhiều và lần nào quốc tế cũng quan tâm, nhưng không biết kết quả thực tế được đến đâu?
Mặc dù LHQ là một tổ chức có quyền rất lớn, nhưng họ cũng gặp phải nhiều khó khăn. Đơn cử như chuyện 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an không phải lúc nào cũng đồng thuận. Cho nên chúng tôi luôn hy vọng, nhưng không bao giờ kỳ vọng một cách quá mức để rồi mình lại thất vọng. Đó là điều chúng tôi đã tự rèn cho mình. Dù đi vận động ở bất cứ đâu, cũng đừng bao giờ để tâm thức của mình rơi vào trạng thái thất vọng vì chuyện cơ quan này, tổ chức kia hứa hẹn mà lại không đáp ứng trọn vẹn.
Qua kinh nghiệm, chúng tôi học được một điều là: Không ai, dù người đó có khả năng thế nào, có thể đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của bất kỳ ai. Mình kỳ vọng ai đó đáp ứng tất cả nhu cầu của mình là không thực tế, vì mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều có giới hạn của họ, vả lại họ cũng có những nhu cầu riêng.
Đức Phật dạy: Cõi ta bà này là cõi bất toại nguyện, bất toại ý. Thành thử, chúng ta không bao giờ nên tìm sự tuyệt đối trong một thế giới tương đối cả.
Tất nhiên, tôi tin LHQ cũng hết lòng, trong khả năng có thể, để giúp đỡ chúng ta theo các công ước quốc tế, vì đó là bổn phận và trách nhiệm của họ. Nhưng làm được tới đâu, thành tựu thế nào, thì còn phụ thuộc vào mức độ vận động của chúng ta và đối phương. Bởi vì chính quyền Việt Nam có tiền, có nhân sự, có chiến lược và kế hoạch, họ cũng rải người đi khắp nơi vận động chứ không phải chỉ mình chúng ta gõ cửa các trung tâm quyền lực như LHQ.
Nói về kinh nghiệm của việc đi vận động rút ra từ lần này, nếu tự đánh giá hiệu quả thì thầy thấy có gì tốt, có gì cần cải thiện?
Trước mắt, chúng tôi cảm thấy có một phần nào an lòng, rằng mình đã thể hiện trách nhiệm và bổn phận trước những khổ họa của dân tộc, của đồng bào trong nước. Có lẽ những người dân đang đối diện với bất công, phi lý, bạo lực ở Việt Nam cũng cảm thấy được an ủi, vì bên ngoài có những người đã và đang đồng cảm, tìm cách hỗ trợ họ.
Bên cạnh đó, ít ra các cơ quan quốc tế đang làm công tác nhân quyền cũng có thêm dữ kiện để đặt vấn đề với các quốc gia đã từng ký kết mà lại vi phạm thường xuyên điều ước quốc tế.
Còn kinh nghiệm rút ra từ chuyến đi mà chúng tôi muốn chia sẻ là: Điều quan trọng không phải chỉ là chúng ta đến tiếp xúc với cơ quan nào, ở thời điểm nào. Vấn đề ở đây còn là trước và sau cuộc tiếp xúc đó, chúng ta làm gì. Chúng ta có chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ trước khi chúng ta tiếp xúc với họ hay không? Và sau cuộc gặp, chúng ta có tiếp tục giữ liên lạc, tiếp tục cung cấp thông tin, tài liệu và nhắc nhở họ thường xuyên không?
Thế giới hiện nay có rất nhiều vấn đề nóng cần giải quyết, của toàn cầu cũng như của mỗi quốc gia, dân tộc. Vậy thì những tổ chức nhỏ, những cá thể lẻ loi như chúng ta liệu có đủ thu hút sự chú ý của quốc tế trước cả ngàn sự kiện xảy ra mỗi ngày hay không? Làm sao để nhắc nhở thường xuyên, để người ta quan tâm đến những sự việc mình đang quan tâm? Làm sao để người ta có thể xem những gì mình đang xem trọng như là việc của chính bản thân họ? Có nhiều khi ta đến gặp họ, ta trình bày, rồi ta để mọi sự rơi vào khoảng trống của sự quên lãng. Như thế thì vừa mất thì giờ, mất công sức, vừa không đưa dẫn đến những thành quả tốt đẹp như chúng ta mong đợi.
Chùa Liên Trì - cái gai trong mắt chính quyền
Khi trình bày với LHQ về nhân quyền ở Việt Nam, phái đoàn có nhấn mạnh đặc điểm gì của tình hình tự do tôn giáo?
Đã hơn 1 năm kể từ ngày Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, tình hình nhân quyền chẳng những không được cải thiện mà còn đen tối hơn. Riêng trong lĩnh vực tự do tôn giáo, có thể kể đến ba trường hợp vi phạm mới nhất: Chùa Liên Trì - cơ sở cuối cùng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước đây tại Sài Gòn - đang bị chính quyền địa phương lên kế hoạch cưỡng chế mà không hỗ trợ di dời tái định cư, cho nên cũng giống như một cách san bằng, xóa sổ. Chùa An Cư (Đà Nẵng) do Đại đức Thích Thiện Phúc trụ trì cũng trong tình trạng tương tự. Và đặc biệt là Đại đức Thích Thiện Tâm ở chùa Phước Bửu (Bà Rịa-Vũng Tàu) bị hành hung thô bạo bởi những công an mặc đồng phục - tôi xin nhấn mạnh là “đồng phục”, chứ không phải là dưới dạng côn đồ hay xã hội đen.
Hiện giờ tình hình cưỡng chế đất đai nhà chùa thế nào?
Chùa Liên Trì của hòa thượng Thích Không Tánh đang ở trong tầm ngắm của chính quyền. Đó là ngôi chùa mà những tổ chức xã hội dân sự gần đây xem như là nơi tụ họp hàng tháng. Đó cũng là nơi mà thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, cô nhi, người nghèo đói, bệnh tật thường tìm đến để được giúp đỡ. Tất nhiên, sự giúp đỡ có giới hạn vì chùa chẳng phải là cơ sở kinh doanh giàu có gì.
Khi chính quyền lên kế hoạch giải tỏa chùa Liên Trì, thật ra đâu phải vì họ cần một mảnh đất để làm khu thương mại. Mà nguyên nhân là vì chùa Liên Trì đã trở thành cái gai trong mắt họ. Đó không chỉ là trung tâm cứu tế mà còn là trung tâm đối kháng, cho nên họ phải tìm cách cưỡng chế. Ngoại trừ một văn bản viết vài điều chung chung, còn lại họ toàn nói miệng để không có bằng chứng nào để ta dựa vào đó mà khiếu kiện.
Hãy đấu tranh vì công lý
Chính quyền Việt Nam thường củng cố một quan điểm thế này: Người tu hành thì cứ lo việc tu thôi chứ lo làm gì việc đời. Nhà nước thu hồi đất thì nhà chùa có nghĩa vụ phải chấp hành, chứ chống đối thì như thế là gây rối, phạm pháp. Thầy nghĩ sao về điều đó?
Quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm, nếu không nói là vô minh. Bởi vì, tất cả lãnh đạo các tôn giáo đều hướng dẫn tâm thức của con người về cái thiện, để đạt được cứu cánh tối hậu là sống trong tuệ giác, trong sự hiểu biết. Sức mạnh của đạo Phật là gì? Là từ bi và trí tuệ. Cho nên sứ mệnh của chúng tôi là khai dụng đúng mức sức mạnh nội tại đó để chuyển hóa niềm đau, nỗi khổ của tha nhân. Mình nói hai chữ “từ bi”, nhưng người ta đến cướp đất của dân, mình không có một thái độ nào trước sự bất công, phi pháp đó thì chữ “từ bi” ấy có giá trị và ý nghĩa gì?
Đất của chùa là đất để thờ phụng. Chúng tôi coi mỗi ngôi chùa như một trung tâm bảo vệ nhân quyền, một trung tâm của từ thiện xã hội, của văn hóa giáo dục. Vậy mà người ta ngang nhiên cướp đi những mảnh đất như thế, thì bổn phận của người trong chùa hoặc của quần chúng có liên hệ trách nhiệm đến ngôi chùa đó, là phải bảo vệ nó. Đất là của nhà chùa, thì nhà nước có trách nhiệm phải bảo vệ theo đúng hiến pháp. Nếu nhà nước đến để chiếm dụng thì là phi pháp. Chính những người đang thực thi công vụ đã giẫm đạp lên hiến pháp mà nhà nước ban hành chứ ai? Người phạm pháp phải bị nghiêm trị, chứ không thể gán hai từ “phạm pháp” cho người bảo vệ tài sản của mình.
Chính quyền nói, sư sãi chống lại chủ trương của nhà nước tức là ủng hộ bạo lực và tạo nghiệp xấu...
Tạo nghiệp là gì? Trước hết phải hiểu nghiệp xuất phát từ đâu. Từ ba nơi, thứ nhất là tâm, tức là ý. Thứ hai là khẩu, tức là lời nói. Thứ ba là hành động.
Mình không muốn những người cướp đất chùa tạo ra những nghiệp bất thiện, sẽ đọa vào cảnh giới khổ đau. Vì từ bi, thương họ, nên mình phải chặn đứng những hành động tạo ra ác nghiệp. Cái đó mới là tâm từ bi. Còn mình nói từ bi mà thấy người khác phạm pháp, làm việc tội lỗi, chuốc lấy hậu quả khổ đau, mình không ngăn chặn, thì mình đâu phải là người đang hành giáo lý từ bi?
Tôi lấy ví dụ, thấy một sát thủ cầm súng chuẩn bị sát hại những học sinh vô tội mà mình cứ ngồi “Nam Mô A Di Đà Phật”, chứ không tước lấy khẩu súng đó hoặc không kêu cảnh sát đến cứu các học sinh, thì mình có từ bi hay không? Từ bi nguyên nghĩa là “từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ”. Mình dâng hiến lòng yêu thương đích thực cho tất cả muôn loài chớ không phải là gieo khổ đau, tạo thù oán. Đó là nghĩa của “từ”. Còn “bi”, tức là mình nhổ sạch cội rễ của khổ đau, chứ không phải chỉ trên ngọn. Thấy người khác lâm vào tình cảnh bất công thì mình phải ra tay hành động để cứu thế.
Dường như người cộng sản không hiểu từ bi là gì, sứ mệnh thiêng liêng cao cả của những tu sĩ Phật giáo như thế nào, tôn giáo có nhiệm vụ ra sao đối với xã hội, đất nước. Hoặc giả họ hiểu đấy, nhưng họ cố ý định hướng sai lạc để dễ bề thao túng quần chúng cho họ muốn làm gì thì làm.
Chỉ dùng bạo lực, chính quyền không thể trụ được
Nếu có thể dành cho chính quyền một lời khuyên thì thầy khuyên gì chính quyền Việt Nam?
Họ cần ý thức rõ rằng bạo lực không thể chặn đứng cái ác. Nhưng tôn giáo thì có thể. Ở tình trạng lý tưởng, khi con người ý thức rõ được về luật nhân-quả thì không cần có cảnh sát, pháp luật. Tôi lấy thí dụ: Ở Mỹ, dân chúng chạy xe trên xa lộ thường không đi quá tốc độ hay vượt đèn đỏ, vì sợ cảnh sát phạt tiền. Vấn đề là nếu không có vé phạt thì ai nấy có thể tha hồ chạy xe, tạo ra vô số nguy hiểm. Nhưng nếu chúng ta ý thức được hiểm nạn xảy ra đối với bản thân và với người khác thì chúng ta sẽ tự chế. Dù có hay không có cảnh sát nhưng khi đã ý thức được luật nhân-quả, ý thức được nhân là lái xe quá tốc độ, quả là tai nạn, thì chúng ta sẽ đều cố gắng làm sao để bảo vệ chính mình và mọi người.
Nếu mọi người dân đều hiểu được luật nhân-quả thì họ sẽ không làm điều ác, và như vậy thì xã hội sẽ thái bình, đất nước sẽ ổn định.
Nếu chính quyền Việt Nam để cho các tôn giáo chăm sóc đời sống tâm linh đạo đức của dân chúng thì xã hội đâu loạn lạc như ngày nay? Nhà nước không tốn gì cho tôn giáo mà lợi ích tôn giáo mang lại cho đất nước rất lớn lao.
Chúng tôi khuyên họ cố gắng thấy được điều này: Chỉ dùng bạo lực để trấn áp và xem quần chúng như kẻ thù chứ không phải người thân thì họ không thể an ổn được đâu. Nên họ phải tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến, tôn trọng truyền thống văn hóa, tâm linh của dân. Họ mà làm được như vậy thì các tôn giáo đâu có lý do gì để chống họ? Đằng này, làm mất lòng dân, đàn áp tôn giáo, để tạo sự bất mãn lớn lao thì chắc chắn chế độ không thể nào đứng vững được.
Chính quyền phải hiểu rằng họ có thể che đậy nhiều việc nhưng không che đậy được sự thật, họ có thể trốn tránh nhiều thứ nhưng không thể tránh được luật nhân-quả.
Hãy nhìn Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq. Đã có thời đến những cái bồn rửa mặt của ông ta cũng dát vàng, ông ta sống trong nhung lụa, quyền lực. Nhưng do tham vọng và tinh thần chấp ngã, ông ta phải trốn chui trốn lủi mà cuối cùng bị treo cổ. Mạng mất, tài sản tích lũy nhiều chục năm cũng tiêu luôn. Đó là tấm gương nhãn tiền cho những người cộng sản không tin luật nhân-quả mà liên tục làm điều ác. Mình thấy mà thương thay cho họ, cho những kẻ vô minh.
Đoan Trang thực hiện