Nữ ký giả nhiếp ảnh bị cầm tù đang tuyệt thực tại Việt Nam
Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị bắt giữ cách đây hơn ba năm vì chụp hình một cuộc biểu tình và bị kết án chín năm tù với tội danh lật đổ nhà nước. Vào ngày 28 tháng 11, cô bắt đầu tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi trong tù.
Trường hợp của Minh Mẫn tiêu biểu cho hiện tình của Việt Nam, nơi mà nhà chức trách giới hạn một cách có hệ thống quyền tự do ngôn luận bằng cách bắt giam tùy tiện các ký giả, blogger và các nhà hoạt động nhân quyền.
Vào ngày 9 tháng Giêng năm 2013, tòa án nhân dân Nghệ An kết án Minh Mẫn cùng với 13 blogger và nhà hoạt động nhân quyền khác về tội danh âm mưu “lật đổ” nhà cầm quyền Việt Nam, mà giới thành thạo cho là “vụ án lật đổ lớn nhất trong những năm gần đây”.
Tuy học làm nghề thẩm mỹ, cô gái 26 tuổi này là người nhiệt huyết cổ võ cho công bằng xã hội và nhân quyền, thể hiện qua việc làm của một ký giả nhiếp ảnh. Thay vì bị trói buộc trong khuôn khổ truyền thông nhà nước, Minh Mẫn đăng tải hình ảnh của cô chụp trên mạng. Cô đến những nơi nào có bất ổn xã hội, có biểu tình công cộng để chụp hình và tạo chú ý cho các sự kiện này. Một trong những sự kiện đó là cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Tp.HCM vào ngày 5 tháng 6 năm 2011.
Minh Mẫn bị bắt giữ vào ngày 31 tháng 7 năm 2011 cùng với người mẹ và em trai. Nhà của gia đình bị công an lục soát và tịch thu máy ảnh của Minh Mẫn và vẫn chưa trả lại cho cô.
Gia đình bị kết án
Vụ xử diễn ra tại tòa án nhân dân Nghệ An, nơi mà từ lâu có những quyết định không cần bằng và thiếu vắng thủ tục pháp lý. Mặc dầu có một số đông các bị cáo hầu tòa, phiên tòa diễn ra có hai ngày. Các bị cáo chỉ được có năm phút để trình bày với chánh án, và chỉ có thể trả lời “có” hay “không”. Nhiều ký giả độc lập và các quan sát viên quốc tế không được phép vào dự phiên xử. Phiên tòa kết án Minh Mẫn chín năm tù giam và ba tháng quản chế tại gia. Mẹ của cô bị kết án ba năm tù giam và nay đã mãn hạn tù. Em trai của cô bị ba năm tù treo.
Bản án nặng nề của Tòa Án Nhân Dân không chỉ tác động vào Minh Mẫn, mẹ và em trai của cô. Ba của cô đã nhiều lần bị ép buộc, bị áp lực phi pháp và bị theo dõi bởi nhà cầm quyền tiếp theo sau vụ bắt giữ cả gia đình của ông. Một nhân viên công an còn can ngăn ông không tìm luật sư bào chữa cho Minh Mẫn, và bị ra lệnh phải nói là vợ và con gái ông đã lên Sài Gòn làm việc nếu có ai hỏi về vụ bắt giữ.
Minh Mẫn bị kết án theo điều luật 79(a) của bộ luật Hình Sự vì là một “thành viên tích cực” tham gia “những hoạt động phi pháp nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và vì thế mà nhận lãnh hình phạt nặng nề hơn những bị cáo khác. Cô hiện thời đang thụ án tù chín năm tù tại Trại Số 5, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Điều kiện ở đó khắc nghiệt, và cô bị buộc phải lao động cực nhọc. Vào ngày 16 tháng 11 vừa qua, Minh Mẫn và ba tù nhân lương tâm khác gần như bị biệt giam vì lý do không rõ ràng. Vào ngày 28 tháng 11 năm 2014, Minh Mẫn tuyệt thực để phản đối cách đối xử bất công; cô bị nhốt trong một buồn giam với ba lớp bê tông cùng với một tù nhân khác.
Sinh viên luật thay mặt người ký giả đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc
Cuộc tuyệt thực và sức khoẻ bấp bênh của Minh Mẫn đã làm tăng sự cấp bách tình trạng của cô và gây chú ý của giới hoạt động quốc tế. Trong tuần rồi, một văn phòng luật sinh viên ở Zagreb, Croatia đã đệ đơn lên Ủy Ban Điều Tra Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) thay mặt cho người ký giả nhiếp ảnh bị giam cầm.
Được đào tạo về lãnh vực nhân quyền quốc tế bởi các giáo sư hàng đầu tại đại học Oxford và Zagreb, các sinh viên luật nghiên cứu, soạn thảo và đệ đơn thay mặt cho một số thân chủ. Ngoài Minh Mẫn ra, các đơn khác được thảo thay mặt cho blogger chính trị Việt Nam Điếu Cày, người được thả hồi 21 tháng 11 năm 2014 và một biên tập viên người Miến Điện Tin San. Tổ chức Bảo Vệ Luật Pháp cho Giới Truyền Thông (The Media Legal Defense Initiative – MLDI) cùng với Garden Court Chambers và đại học Zagreb lo việc giám sát luật pháp cho các sinh viên luật trong mọi khâu.
Mặc dầu có công nhận quyền tự do ngôn luận trong hiến pháp, Việt Nam thường xuyên nhận điểm xấu xếp hạng tự do báo chí. Thí dụ như Hiệp Hội Ký Giả Không Biên Giới (Reporters Without Borders) đã xếp có sáu quốc gia đứng dưới Việt Nam về tự do báo chí. Rất tiếc là trường hợp của cô Minh Mẫn lại là một thí dụ khác của việc nhà nước Việt Nam bóp nghẹt tự do ngôn luận và đối kháng bằng những cáo buộc ngụy tạo hay mơ hồ. Khi đệ đơn lên UNWGAD, văn phòng luật Zagreb hy vọng sẽ nâng cao nhận thức về tình trạng của Minh Mẫn và hy vọng sẽ đạt được kết quả tích cực như trong trường hợp của Điếu Cày.
Media Legal Defence Initiative (MLDI) - Ngày 11 tháng 12, 2014
Nguồn: http://globalvoicesonline.org/…/jailed-female-photo-journa…/
Nguồn: http://globalvoicesonline.org/…/jailed-female-photo-journa…/