Làm cách nào tòa có thể kết án Basam?


Mặc Lâm/RFA
Anh Nguyễn Hữu Vinh (Anhbasam)
Ngày 5 tháng 5 năm 2014 nhà báo Nguyễn Hữu Vinh được biết rộng rãi dưới cái tên Anh Ba Sàm bị công an bắt và khởi tố tội danh vi phạm điều 258 Bộ luật hình sự. Ngay sau đó một làn sóng bất bình nổi lên khắp nơi vì nếu ai từng đọc trang Basam đều có một nhận xét chung là trang web này tập trung, chọn lựa và giới thiệu những bài viết tích cực về các mặt mà nhà nước chưa làm được
.Những giới thiệu ấy nói lên một điều Basam muốn đem kiến thức, chuyên môn và lòng tin vào tự do ngôn luận một cách sắc bén của anh và những người cộng sự đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong khi điều hành trang điểm tin nổi tiếng này. Nguyễn Hữu Vinh là nhà báo năng động và nhiều quan hệ với các giới chức cao cấp nên anh có thuận lợi trong việc tìm hiểu và đưa những thông tin đã được kiểm chứng ấy ra trước công luận thông qua trang Basam, khiến trang web này trở thành một danh bạ cập nhật hàng ngày những tin tức, bài viết nóng nhất trong ngày.

Những tin tức, bài viết ấy nếu làm người đọc thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của họ thì ngược lại các cơ quan kiểm soát truyền thông, điển hình là Ban tuyên giáo Trung ương chắc chắn không thể dễ chịu và chấp nhận một sự cạnh tranh bình đẳng giữa một bên là thông tin định hướng còn một bên là thông tin trung thực, tự do.

Có lẽ biết trước những mầm mống khó kiểm soát này mà ngày 21 tháng 12 năm 1999 Quốc hội đã thông qua điều 258 Bộ luật hình sự để từ đó đến nay người có những quan điểm khác biệt, những lên tiếng góp ý hay phản biện, phê bình dù nhẹ nhàng hay gay gắt nhưng phạm đến những khu vực nhạy cảm về chính trị, tham nhũng đặc biệt những vấn đề có yếu tố Trung Quốc đều bị để ý, gán ghép và trước sau gì cũng rơi vào tội danh này.

Hầu hết những người bị bắt như Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, hay Phạm Chí Dũng, đều là những nhà báo do đó việc đàn áp có định hướng này cho thấy Việt Nam rất dị ứng với những ngòi viết kiên cường không sợ hãi cường quyền dám nói lên sự thật.

Vốn xuất thân từ ngôi trường An Ninh Nhân Dân và từng công tác tại Bộ Công an, nhà báo Nguyễn Hữu Vinh từng có những bài viết phân tích sắc sảo nhất là những thông tin hiếm hoi lộ ra từ nội bộ của cấp cao nhất. Nguyễn Hữu Vinh biết thế nào là khuôn khổ luật pháp và anh cũng biết rõ khi nào thì ngừng lại trước lằn ranh mà nhà nước không thể vượt qua để bắt giữ mình về một vi phạm nào đó. Tuy nhiên dưới chế độ toàn trị, tuy là người am hiểu luật và cách thực thi luật, Ba Sàm vẫn không thể vượt qua được cái bẫy 258, vốn đã và đang bịt miệng cả nước bằng bốn chữ Bộ luật hình sự.

Câu chuyện của Basam đã vượt đại dương đến với những người hoạt động nhân quyền cũng như các chính trị gia của nhiều nước. Trong một động thái mới nhất, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội đã chính thức mời bà Lê Thị Minh Hà, vợ của nhà báo Nguyễn Hữu Vinh đến gặp để họ có thể tìm hiểu thêm về vụ án này. Bà Hà là cán bộ Viện nghiên cứu khoa học công an, cũng từng được đào tạo chung một ngôi trường an ninh với chồng. Chia sẻ với chúng tôi bà nói:

Ở bên Đại sứ quán Mỹ họ đã mời tôi lên và nói chuyện hai tiếng đồng hồ với bà tên là Jennifer. Bà ấy nói với tôi một câu mà tôi rất cảm động, đó là rất nhiều người ở Hoa Kỳ người ta quan tâm tới việc này vì cho rằng chính sách nhà nước này đối anh Vinh như thế nào thì người ta coi đấy là thái độ của phía Việt Nam có chân thành hay không.

Tội danh mơ  hồ

Bản án dành cho anh Basam dù nặng hay nhẹ cũng nói lên được sự lo ngại của nhà nước trước quyền được thông tin của người dân hơn là cầm cân nảy mực gìn giữ trật tự xã hội và quyền lợi của người bị hại như điều 258 quy định.

Điều 258 ghi rõ “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Hai phiên tòa xử Phạm Viết Đào và Trương Duy Nhất không hề có ai đại diện cho người bị hại, tức người bị xâm phạm lợi ích ra đối chất. Bất kể phản đối của luật sư và bị cáo, hội đồng xét xử vẫn im lặng tiếp tục cáo buộc tội danh mơ hồ và không thể chứng minh trước tòa. Thậm chí trong phiên phúc thẩm xử Trương Duy Nhất tòa án đã âm thầm mở ra và đóng lại như một phiên tòa thời trung cổ tại Châu Âu, chuyên xét xử người bị buộc tội tà giáo.


Bà Lê Thị Minh Hà, vợ nhà báo Nguyễn Hữu Vinh cho chúng tôi biết về những cáo buộc vô lý mà gia đình rất quan tâm, đi kèm với đơn khiếu nại gửi cho các cơ quan cao nhất nước bà đã chứng minh trang blog của chồng bà hoàn toàn công khai và minh bạch nó được lập ra để chuyển tải thông tin cần thiết cho người dân và không hề có hại cho bất cứ ai.

Việc thông báo bắt khẩn cấp chồng tôi là vi phạm luật tố tụng hình sự. Tôi đã làm đơn tố cáo lên Viện Kiểm sát và Bộ công an bởi vì anh Vinh không phải là người chống đối chính phủ, chống đối nhà nước. Tôi đã đi tìm từ hôm ấy đến giờ vẫn không thấy có điều luật nào quy định người đăng tải thì bị như thế cả vì thế tôi cho là trái pháp luật.

Tôi đã gửi đơn khiếu nại bằng ấy cơ quan và tôi cho người ta thời hạn 15 ngày phải trả lời bằng văn bản. Bởi vì điều 258 phải có những vi phạm cụ thể và phải cho tôi những nhân chứng vật chứng cụ thể có tính định lượng về mức độ trên mạng. Hơn nữa điều này nó không nằm trong nhóm tội phạm nguy hiểm và việc bắt giam chồng tôi một cách khẩn cấp như thế tôi thấy là sai, ngay cả đối với luật tố tụng hình sự tôi cũng thấy sai.

Khác với Phạm Viết Đào và Trương Duy Nhất bị báo chí lề phải đả kích mà không ai có phản ứng, người cộng sự với trang Basam là bà Đinh Ngọc Thu đã gửi đơn khiếu kiện tờ báo Pháp Luật Việt Nam vào ngày 16 tháng Sáu vừa qua vì đã chụp mũ cho nhà báo Nguyễn Hữu Vinh và bản thân bà là thành viên đảng Việt Tân, một tổ chức bị nhà nước ghép vào hàng khủng bố. Đơn kiện của bà gửi tới Tòa Án Nhân Dân Hà Nội cho tới nay vẫn chưa có văn bản nào trả lời là có thụ lý hay không.

Dù Tòa án Hà Nội có xem xét hay bỏ phế như hàng trăm ngàn đơn thư khác thì người dân Việt khắp nơi cũng biết thêm một lần nữa sự chụp mũ của báo chí và cơ quan an ninh Việt Nam cho cái giá mà những người “vi phạm điều 258” phải trả cho quyền được thông tin của họ.