TQ di dời giàn khoan sau khi đảng CSVN chấp nhận đầu hàng


Về cơ bản, giới lãnh đạo chóp bu cộng sản đã chấp nhận đầu hàng
Hoàng Trần (Danlambao) - Phát biểu trong phiên họp chính phủ ngày 16/7, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng “yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan” trong vùng biển Việt Nam.

Cùng ngày, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng nêu tuyên bố “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương-981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam”.

Di dời giàn khoan do bão?

Các tuyên đố trên được chính phủ nêu ra trong thời điểm phía TQ thông báo giàn khoan 981 đã ''hoàn thành nhiệm vụ”, đồng thời cho di dời giàn khoan cùng đội tàu chiến với lý do mùa mưa bão sắp đến.

Hiện siêu bão Rammasun (Thần Sấm) mạnh cấp 13 sắp đổ bộ vào Biển Đông. Dù là giàn khoan khủng như HD 981 cũng khó có thể chống đỡ nổi với siêu bão Rammasun mà không bị thiệt hại.

Sự kiện giàn khoan Trung Quốc 'chuồn' khỏi Biển Đông tránh bão đã lập tức trở thành đề tài cho bộ máy tuyên truyền cộng sản thi nhau 'nổ' tưng bừng.

Một vị tướng quân đội còn lạc quan phán “Đây là sự thành công về cuộc chiến về pháp lý, về ngoại giao của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam”.  

Trên thực tế, nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa dám kiện TQ ra tòa án quốc tế, thậm chí đến một nghị quyết phản đối cũng không được quốc hội CSVN ban hành.

“Về cơ bản, Hà Nội đã đầu hàng”

Đó là kết luận của nhà báo nổi tiếng Roger Mitton viết trên The Myanmar Times. Bài báo cho biết, việc TQ đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông đã khiến giới lãnh đạo chóp bu CS tỏ ra 'sốc và sợ hãi', đồng thời gây nên sự bất đồng nghiêm trọng trong bộ chính trị.

Trong chuyến thăm Việt Nam, ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì  đã lớn tiếng cảnh báo rằng Việt Nam sẽ hứng chịu tổn thất nặng nều nếu hợp tác với các nước khác, cụ thể là Hoa Kỳ, trong việc chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. 

Đồng thời, Dương Khiết Trì cũng ra lệnh cho giới lãnh đạo CSVN không được tham gia cùng Philippines trong nhằm kiện Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc. 

Ngay sau khi Dương Khiết Trì về, bộ chính trị lập tức triệu tập một cuộc họp với những tranh luận nảy lửa.

Sau cùng, nhóm thân Trung Quốc tiếp tục thắng thế. Điều này được thấy rõ khi chuyến đi Mỹ cầu viện của bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh bị hoãn vô thời hạn. Mặc dù trước đó, chuyến thăm được dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 7.

“Về cơ bản, Hà Nội đã đầu hàng. Sẽ không có thêm các cuộc biểu tình, không có việc kiện lên Liên Hợp Quốc, sẽ không xảy ra các trận diễn tập quân sự với Mỹ và không có chuyện dẫn đầu mặt trận ASEAN thống nhất nhằm chống lại Bắc Kinh”, Roger Mitton viết.