Một tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi bị 'nhiều tàu Trung Quốc' bao vây và bắt giữ hôm 3/7 khi đang đánh bắt ở tọa độ được cho là gần quần đảo Hoàng Sa, theo giới chức địa phương.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói những ngư dân này đã “phạm pháp”.
Đến 8 giờ sáng ngày 3/7, một trong hai tàu báo qua máy Icom về cho gia đình ông Đạt rằng đang bị "nhiều tàu của Trung Quốc vây đuổi", ông Hải nói.Trả lời BBC ngày 4/7, ông Phạm Minh Hải, cán bộ chuyên trách về nông lâm ngư tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết ngày 28/6, hai tàu cá do ông Võ Đạt làm chủ đã rời bến ở Thọ Quang, Đà Nẵng để hành nghề kéo lưới đôi.
"Hiện vẫn chưa biết đó là tàu cá, tàu hải quân hay tàu kiểm ngư".
Báo Đất Việt trong tin ngày 4/7 dẫn lời ông Lê Thanh Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đức Phổ, xác nhận tàu cá mang số hiệu QNg 94912 TS đã bị "Trung Quốc kéo về phía biển của họ và hiện vẫn chưa liên lạc được".
"Trên tàu QNg 94912 TS có 6 người, do ông Võ Tấn Tèo làm thuyền trưởng", ông Tân nói.
Tọa độ nơi tàu QNg 94912 TS bị vây bắt vẫn chưa được làm rõ.
Nhiều báo trong nước cho biết tàu này bị tấn công khi đang đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Tổng Cục Kiểm ngư, được báo Đất Việt dẫn lời cho biết thông tin này là do "ngư dân báo cáo với chính quyền địa phương".
"Bên Cục Kiểm ngư đang xác minh lại vụ việc", ông nói.
Vụ việc xảy ra giữa lúc căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Các vụ đụng độ liên tục của tàu hai nước trong thời gian qua đã khiến giới quan sát lo ngại sẽ gây nên thiệt hại về nhân mạng, khiến căng thẳng leo thang thành xung đột.
Hồi cuối tháng Sáu, Cục kiểm ngư Việt Nam thông báo đã có 27 tàu kiểm ngư của Việt Nam bị Trung Quốc đâm hỏng, khiến 15 kiểm ngư viên bị thương.
Hôm 26/5, phía Việt Nam cáo buộc tàu kiểm ngư Trung Quốc đã cố ý đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng.
Phản ứng Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói những ngư dân này đã “phạm pháp”, khi khai thác cách lãnh hải Trung Quốc bảy hải lý phía nam thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam.
“Các cơ quan chức năng có liên quan đang điều tra,” phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói. “Trung Quốc một lần nữa yêu cầu Việt Nam thực hiện các biện pháp cần thiết, tăng cường kỷ luật và giáo dục ngư dân để ngăn ngừa các vụ việc tương tự diễn ra.”
Bắc Kinh đã bắt một số ngư dân Việt Nam trước đây. Tuy vậy đây là vụ đầu tiên kể từ khi nước này đưa giàn khoan vào khu vực biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa vào tháng Năm.
Ông Phạm Minh Hải cho biết đây không phải là lần đầu tiên tàu cá của xã Phổ Thạnh bị phía Trung Quốc bắt giữ.
"Năm kia họ bắt ba tàu, họ trả lao động về nhưng tàu thì vẫn bị tịch thu", ông nói.
"Thiệt hại mỗi tàu là từ 1 tỷ - 1,4 tỷ đồng".
"Các chủ tàu sau đó được quỹ Tấm lưới Nghĩa tình của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ 200 triệu đồng. Hai trong ba tàu đã tiếp tục ra khơi bám biển".
Ông Hải cho biết chính quyền địa phương "vẫn khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền".
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng phối hợp với Cảnh sát biển Vùng 2 để tuyên truyền về pháp luật biển và tọa độ khai thác cho ngư dân".
Ông cũng cho biết gần đây, Chi cục khai thác thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi xuống huyện Đức Phổ để thu thập danh sách những ngư dân có nguyện vọng được hỗ trợ để đóng vỏ sắt cho tàu.
"Xã Phổ thạnh đã có hơn một chục người đăng ký nhưng chưa có phản hồi từ tỉnh", ông nói.
Hồi tháng Sáu, Quốc hội Việt Nam đã thông qua khoản ngân sách 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ và nâng cấp cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư.
Trong phiên họp thường trực chính phủ chiều 3/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được báo trong nước dẫn lời cho biết sẽ trích 4.500 tỷ đồng trong khoản này để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ và dùng 11.500 tỷ đồng còn lại để đóng mới 32 tàu cảnh sát biển và kiểm ngư.