Kính thưa linh hồn anh Huỳnh Anh Trí:
Khi anh ra đi, nhằm lúc tôi bận lo tang khó, cho một đồng chí Việt Quốc, 59 tuổi đảng, 83 tuổi đời, cũng vừa tạ thế. Nay quay lại trang mạng, dẫu muộn màng, giọt nước mắt vẫn còn nóng, thưa anh.
Ô hay, anh chết vì bịnh HIV, là bịnh gì thế hả anh!? Không sa đọa, chưa biết ăn chơi là gì. Cớ sao nhiễm bịnh này? Chắc chắn thú vui xác thị, không làm người ái quốc đam mê. Vậy anh bị lây từ trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam, từ thượng tầng đảng nầy, đã thấm sâu vào hạ bộ, khiến anh ra nông nỗi này!
Đau đớn thay! Phẫn uất tột cùng. Không ở tù, sao cảm thấy như chung niềm thống khổ. Từ biển đảo, tới đất liền quân giặc thù lố nhố. Đảng không sợ, chỉ sợ mỗi nhân dân!
Đảng của Hồ, cứ rêu rao yêu nước, sao cứ giết mãi đồng bào?
Nợ cải cách, nợ Mậu Thân, nợ mùa Hè đỏ lửa, đại lộ Kinh Hoàng. Xương trắng máu đào, loang ngập khắp ba miền, sau "giải phóng" hàng triệu người vượt biên, nửa triệu người vùi sâu lòng biển.
Đảng giết người rất tự nhiên.
Hiền như giáo Định, như Huỳnh Anh Trí, lại trở thành tử thù của đảng Cộng Sản Việt Nam. Vậy mới biết "trại cải tảo" gông cùm, ám hại biết bao nhiêu tu sĩ, hèn gì:
Thời đại Hồ đĩ điếm lên ngôi
Tội ác đảng, toàn dân sôi máu
Anh Trí mất, chửi đảng chẳng muốn thôi.
Bốn hai tuổi, đời đang sung sức, xã hội đảo điên, tìm đâu ra mộng đẹp, anh cống hiến đời trai cho nước cho dân. Vũ trụ mãi xoay vần, vận hạn mới rồi sẽ tới. Không có chế độ trường tồn, chỉ có tổ quốc muôn năm. Đảng đã trở thành "bầy sâu," khó trở mình dưới gót chân, người dân Việt quật cường.
Nhờ có anh, và những người xem thường sự sống, nòi giống này mới mong thoát khỏi xích xiềng. Nhờ có anh cảm thấy còn chút danh dự người công dân, khi đảng cầm quyền lòn cúi, sợ ngoại bang, nhờ có anh nhờ thầy giáo Định, và những người biết quên mình, để chúng tôi nhìn người ngoại quốc bớt ngượng ngùng, khi tổ quốc đang bị giặc Tàu đè đầu cỡi cổ.
Kính thưa linh hồn anh Trí: Trong những ngày bịnh anh trở nặng, bỗng xuất hiện tiếng hát của cháu Cao Hà Đức Anh, với ca khúc: Dậy mà đi, bản nhạc này Sinh Viên miền Nam, hát vang, hát rất tự do mỗi khi họ xuống đường, tranh đấu chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tôi chẳng thấy họ bị áp bức điều gì, nhưng họ xuống đường mãi, tôi cũng không hiểu hai câu này:
"Bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà
Bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà"
Vì chẳng thấy mấy ai "sống không nhà, và chết xa nhà," bài này Nguyễn Xuân Tân, phổ nhạc của thơ Tố Hữu, trong bài thơ gốc 17 câu, không có 2 câu nói trên, thời chiến, mà đem thơ nhạc của quân thù hát vang giữa thủ đô Sài Gòn, thế mà vẫn bị cho là "kèm kẹp"?
Tuy nhiên 2 câu hát trên, vận vào thời nay, áp dụng cho chế độ độc tài, gian ác Cộng Sản, thật tuyệt, thật đích đáng:
Dân ta sống không nhà: Vì đảng cướp đất, cướp nhà. Dân ta chết xa nhà, vì mưu đồ "giải phóng miền Nam cho Trung Quốc," khiến hàng triệu Thanh Niên ưu tú phải "sinh Bắc từ Nam." Gần một nửa thế kỷ trôi qua, tai tôi vẫn còn văng vẳng: "Anh Nguyễn Văn Giáp, sinh tại Thường Tín, Hà Sơn Bình, chết tại Vị Thanh, Chương Thiện, ngày 20 tháng 6 năm 1967"
Chết như vậy, mới xa nhà chứ!? Chết trên hành trình vượt biên, vượt biển, chết như thế mới xa nhà diệu vợi. Thật khâm phục bản nhạc như lời tiên tri, đến nay mới hiển linh.
Trời đang vào Hạ, ở chốn xa xôi này, tưởng nhớ đến anh Huỳnh Anh Trí, vì chính nghĩa ra đi, tôi thương về quê hương, nơi có tiếng chim quốc gọi hè:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Người ta say mê kỹ nữ, mất nước, vong mạng.
Anh vì yêu nước thân đành thác!
Thành thật chia buồn thống thiết, cùng gia đình anh Huỳnh Anh Trí.
Nguyên xin ơn trên Thiên Chúa, đón một linh hồn HIV tinh khiết, người con ngoan của nước Việt khốn khổ, về cõi vĩnh hằng, hưởng phước đời đời trên nước Thiên Đàng.