ÔNG PHẠM BÌNH MINH SẼ "ĐƯỢC" ĐI MỸ


Phạm Chí Dũng
Jonh Kerry và Phạm Bình Minh
Con mã sang sông

Giữa Tháng Bảy và chực chờ vào thời tiết “cô hồn” trong năm 2014, không khí chính trị đối ngoại ở Việt Nam lại bất chợt nóng lên. Trong các quán cà phê và cả nơi công sở, không chỉ giới dân chủ và bất đồng chính kiến sôi nổi định liệu về những động thái “viếng thăm” Hà Nội mới nhất của người Mỹ, mà cả giới công chức nhà nước cũng có vẻ thoát dần khỏi nỗi vô cảm thường trú trước một sự kiện hết sức đặc biệt: Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 trước thời hạn 15 Tháng Tám, 2014.


 Tháng Bảy cũng là dấu ấn không kém ấn tượng cho một cuộc vận động nhân quyền Việt Nam được tổ chức bởi cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Hai trăm nghị sĩ đảng Dân Chủ cùng với ba chục nghị sĩ đảng Cộng Hòa đang làm nên một bản phối màu khá tương hợp để lần đầu tiên bắt buộc Nhà nước Việt Nam phải nhận thức rõ ý nghĩa thực sự của định chế công đoàn độc lập là như thế nào.

Tất cả đều minh họa cho một bức tranh cờ thế: dường như vào đúng lúc này, Washington đã quyết định đưa con mã sang sông.

Người Mỹ cũng cần “thoát Trung”

Chưa hề có tiền lệ, Thượng Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết với độ “nhất trí” lên đến 100% để cho ra đời bản nghị quyết số 412 về Biển Ðông với lời kêu gọi Trung Quốc “trở về nguyên trạng trước thời điểm Tháng Năm, 2014.” Tiếp theo cuộc viếng thăm Hà Nội vào Tháng Tư 2014 của Chủ Tịch Thượng Viện Mỹ Patrick Leahy, cùng tiếp nối cuộc xâm lăng thăm dò và chào thầu dầu khí của Bắc Kinh ngay trên vùng lãnh hải Việt Nam, gần như một xác quyết đã được quyết tâm cao nơi chính giới Hoa Kỳ: người Mỹ không thể để mặc Trung Hoa muốn làm gì thì làm.

Sẽ ảnh hưởng xấu đến toàn cục an ninh khu vực Ðông Nam Á mà nạn nhân sẽ là Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Malaysia và có thể kéo xuống cả Châu Úc ở Nam Thái Bình Dương.

Sẽ chẳng tốt lành gì cho sự nghiệp bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải của nước Mỹ ở Biển Ðông và cả chiến lược tiếp dẫn kênh đào Kra đến năm 2020 và những năm sau đó. Và cuối cùng, chiến lược “xoay trục” về Châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có nguy cơ bị phá sản, hoặc cũng gần như thế, bởi kẻ phá bĩnh có tên Trung Nam Hải.

Tốc độ ngạo mạn của Trung Quốc đã trở nên quá lố và luôn vượt quá mặt bằng khiêm tốn cần phải có của một nền kinh tế tuy đứng thứ hai thế giới nhưng luôn bị ví là “nước giàu dân nghèo.”

Hơn một năm trị vì giành đoạt ưu thế một cách đáng ngạc nhiên của Tập Cận Bình có lẽ đã khiến cho ông không còn đủ sáng suốt để nhận ra một thực tế là uy quyền của đảng cộng sản Trung Quốc chỉ có giá trị trong lòng Nội Hán.

Nếu nước cờ “thoát Trung” của người Mỹ nhận được hình ảnh đồng thuận của phần lớn quốc gia có mặt trong Liên Hiệp Quốc, thì thế chiếu Hà Nội của Bắc Kinh đã trở nên bế tắc nhất thời. Không ngờ đến phản ứng của người dân Việt Nam qua nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc, cũng chẳng thể tiên đoán được hệ quả cộng đồng quốc tế sẽ liệt Trung Hoa vào danh sách “khủng bố tương lai,” Bắc Kinh lại một lần nữa vướng vào sai lầm đủ trầm trọng mà có thể đe dọa đến vận mệnh chính thể của họ trong tương lai không xa.

Bình Minh sẽ 'được' đi Mỹ?

Nhưng đối với Việt Nam, dù tạm thoát khỏi cái bóng của gã hàng xóm xấu tính, vẫn chưa có gì chắc chắn là giới quan chức Hà thành bớt lãnh đạm đối với quyền lợi đất nước và đồng bào của họ. Thậm chí gần đây, lối nói tuyên giáo “Mọi việc dễ cho đảng và nhà nước lo” đã bất ngờ chuyển sang khẩu vị dân gian “Mọi việc đã có đảng và nhà nước... khác lo.”

“Ðảng và nhà nước khác” nào? Một sự thật trào phúng đến cay đắng là trong khi Quốc Hội Việt Nam - “cơ quan quyền lực cao nhất và đại diện cho tiếng nói của cử tri Việt Nam,” đã không thốt nên lời về một bản nghị quyết Biển Ðông sau kỳ họp giữa năm 2014, toàn thể con dân nước Việt lại ngơ ngác khi chứng nhận đảng Dân Chủ và nhà nước Hoa Kỳ mới trở thành chứng nhân lịch sử để đẩy lui gã khổng lồ Trung Hoa khỏi dải biển chữ S.

Một sự thật chua chát không kém cũng vừa xảy ra khi có đến 13 ngư dân hai vùng Quảng Bình và Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắt giữ trái phép, nhưng tất cả các cơ quan cầm quyền ở Việt Nam đều như ém nhẹm thông tin này, cho đến khi báo chí bột phát tiết lộ.

Nếu Quốc Hội Việt Nam đã hoàn toàn á khẩu về Biển Ðông, cũng không một cơ quan chính quyền nào dám công khai hé môi đòi Trung Quốc thả người, toàn thể ca từ “động viên ngư dân bám biển” của Bộ Chính Trị Việt Nam trước đó đã như biến thành “sự tráo trở của phương pháp” - như tựa đề một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ở Mỹ La tinh.

Cho đến giờ này, không ít người tự hỏi nếu không có sự can thiệp lộ liễu của người Mỹ, sự thể trong chính giới và xã hội Việt Nam sẽ ra sao? Câu trả lời gần như đoan chắc: sẽ không một tiếng nói vì dân nào được gióng lên trong khu vườn đầy âm khí nhược tiểu.

Chỉ đến giữa Tháng Bảy 2014, khi Evan Medeiros, cố vấn đặc biệt của Tổng Thống Obama, xuất hiện tại Hà Nội với vài ý tưởng về “quan hệ quốc phòng,” không khí chính giới nơi đây mới như hồi tỉnh phần nào. Ðã quá thất vọng vì đương kim tổng bí thư còn bị Bắc Kinh từ chối “đàm phán,” càng ủ ê nỗi tuyệt vọng từ một lòng vị tha nào đó của “Bạn vàng,” chất giọng của giới lãnh đạo Việt Nam đã dần thay đổi từ “kiên định giữ hòa khí” đến “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.”

Còn bây giờ, Phạm Bình Minh có thể “được” đi Mỹ. Viên ngoại trưởng khá yếm thế này của chính phủ Việt Nam đã không thể thực hiện chuyến đi Washington vào Tháng Sáu 2014 theo lời mời của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry, dù nghe nói “hành lý đã chuẩn bị xong xuôi.”

Cũng đã đến lúc không cánh cửa nào khác có thể mở ra cho chính giới Hà Nội nếu họ cứ mãi mộng du với vũ điệu “đu dây.”