Bài viết không dành riêng cho Dư Luận Viên


Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Video-clip về một nhóm được lập có tên "Dư Luận Viên" (DLV) do Vietweekly thực hiện vào hôm 03/10/2014 tại quán Cây Thị quận 3, Sài Gòn và đưa lên YouTube vào ngày 10/102014 để lại nhiều băn khoăn và tranh cãi trong dư luận [1].

Bài viết này không phải để trách hay nhằm lung lạc những người gọi là DLV, bởi có thể nó vô ích. Dù sao, đại đa số trong họ đều trẻ tuổi, một chút thôi - hy vọng - nếu họ biết: "Người ta không thay đổi khi bạn nói họ nên thay đổi. Con người chỉ thay đổi khi họ nói với bản thân rằng họ phải thay đổi" - Michael Mandelbaum. Do đó, người viết chỉ cố gắng làm nhiệm vụ, đưa ra những thông tin có thật về hiện trạng Việt Nam, với chút mạo muội nhắc lại lời của Giáo sư Michael Mandelbaum kèm thực tế hiển hiện.

Quan trọng hơn, bài viết dành cho thế hệ trẻ xem và suy ngẫm.

Tôi viết cũng để những người cộng sản dù cao cấp hay thấp cấp, dù đang làm việc hay đã nghỉ hưu, dù liên quan gián tiếp hay trực tiếp tạo ra lực lượng DLV, phải soi lại bản thân và tổ chức ĐCSVN của họ, đặc biệt trách nhiệm của người CS đối với tuổi trẻ VN.

Liêm sỉ là gì?

Không có ý định xúc phạm hay xiên xỏ tuổi trẻ nói chung và lực lượng DLV nói riêng khi gợi lại khái niệm "Liêm Sỉ", nhưng tôi không tin vào nền "giáo dục" từ hơn 30 năm qua tại nước CHXHCNVN, đủ tri thức & thiện tâm cung cấp một nền học vấn đảm bảo tính nhân bản và khai phóng. 

Tôi hồ nghi về việc giới trẻ trong nước hiện nay hiểu lờ mờ và thậm chí có phần sai trái khi nhắc đến từ "Liêm Sỉ". Nếu có phần nào đó như vậy, lỗi không phải ở tuổi trẻ.

Nỗi hoài nghi trong tôi được "tô đậm" bằng cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của ông Vũ Chất, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2001. Cuốn "từ điển" này nằm ngay trong... Thư viện Quốc gia, cùng với sự chối bỏ trách nhiệm liên quan của bà Phan Thị Kim Dung - Giám đốc Thư viện [2].

Xin dẫn vài từ được giải nghĩa trong bản chụp, báo Infonet truyền dẫn:

- Cao học: bậc học vấn cao.
- Cộng sản: tài sản góp lại làm một.
- Sử xanh: sách vở xưa chép trên lá cây.
- Tù trưởng: người đứng đầu trông coi tội nhân.

"Liêm sỉ" là một từ ghép. "Liêm" có nghĩa trong sạch. "Sỉ" có nghĩa biết xấu hổ. Người có "liêm sỉ" là người sống trong sạch và biết xấu hổ. Ngược lại "liêm sỉ", người đời thêm vào chữ "vô" để chỉ những người sống ngược lại. Cả hai từ "liêm sỉ" và "vô liêm sỉ" đều nhấn mạnh về đời sống tinh thần, đặc biệt những người có học hành tử tế càng phải chú trọng.

Về sau này, chữ "xấu hổ" được nhìn nhận méo mó, nghiêng về thua sút người khác về tiện nghi vật chất, về dung mạo hơn là ám chỉ việc thua sút tri thức [*] hay cách ứng xử kém văn minh. Nếu cần kiểm chứng, xin mời độc giả vào Google và đánh chữ "xấu hổ vì...", kết quả hàng hoạt sẽ làm bạn ngạc nhiên với: "xấu hổ vì vợ béo", "xấu hổ vì nhà nghèo" v.v... và không thiếu "xấu hổ vì..." những điều riêng tư hay thầm kín, mà nó không hề xâm phạm/xúc phạm đến bất kỳ ai.. 

Hình như giới trẻ ngày nay nhầm lẫn giữa chữ "xấu hổ" với "mắc cỡ", "thẹn thùng", ngượng ngập", "e dè" v.v... thậm chí "xấu hổ vì nhà nghèo" nó dường như nghiêng hẳn sang ý nghĩa "tức tưởi" hay "đỗ thừa"?

Những từ Hán-Việt "liêm sỉ", "vô liêm sỉ" ngày càng mai một và ít được dùng rộng rãi, đi cùng với chiều sâu tri thức để dạy cho thế hệ trẻ. Ngay trong môi trường học đường, nó cũng không được nhắc đến thường xuyên, bằng những hình thức cụ thể, sinh động, dễ hiểu. Có lẽ từ đó mà dẫn đến những tác hại khôn lường cho giới trẻ suốt nhiều chục năm qua, khi "nhà trường XHCN" và "sách báo toàn trị" xói mòn ý nghĩa (những) từ ngữ mang tính giáo dục nhân bản như thế?!

Ngay cả chữ "mặc cảm", nếu đầy đủ, nó bao hàm hai ý nghĩa "mặc cảm tự ti" và "mặc cảm tự tôn", nhưng không biết từ bao giờ, "mặc cảm" ngày nay gần như bị đồng nghĩa với "tự ti" mà thôi.

Có vẻ, "giá trị chữ nghĩa" đã bị đảo lộn và sử dụng hỗn độn quá nhiều và quá lâu, nên khó có thể trong một thời gian ngắn gầy dựng lại cách dùng sao cho đúng và đẹp (!).

Giống nòi Việt Nam thế này đây!

- Với con số 2,2 triệu trẻ em (dưới 5 tuổi) bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi nhiều nhất thế giới [3].

- Thế cho nên có gì lạ khi người Việt Nam lùn nhất châu Á. Mười năm chỉ cao thêm một phân. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện nay 164 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc [4]. Giờ giấc học hành, chương trình học, thời khóa biểu, chạy theo thành tích, cơ sở vật chất trường học, xu hướng đua đòi ăn chơi, hưởng thụ v.v... đã ép chặt bọn trẻ trên chiếc ghế hay trong quán bar, khách sạn nào đấy sẽ thuyết phục hơn so với việc đổ cho giới trẻ lười vận động trong bài báo này.

- 20% dân số Việt Nam mắc những bệnh tâm thần thường gặp [5]. Bệnh tâm thần được biết liên quan và bị ảnh hưởng rất lớn từ cuộc sống thường nhật. Xã hội càng suy đồi, bệnh tâm thần càng phát triển.

- Ước tính mỗi năm có thêm 150.000 người bị ung thư, 70.000 ca tử vong do căn bệnh nan y này [6]. Thêm vào đó, trang Việt Báo cho biết thêm "Ngày càng nhiều trẻ bị ung thư máu" [7].

- "Hiện cả nước có gần 185.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý", theo báo VNN. Điều này có nghĩa số người nghiện ma túy không "quản lý" được, có thể cao hơn rất nhiều [8].

- Mỗi ngày có hơn 1.300 người Việt qua Campuchia đánh bài. Lượng tiền đổ vào bài bạc tại Việt Nam ước tính hàng chục triệu USD một ngày, mỗi năm lên tới hàng tỷ USD [9]. 

"Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân" - khoản 1 điều 2 Hiến pháp 2014.

Trong khi điều 4, khoản 2 nói rằng: "Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình".

Vậy tổ chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước thảm trạng giống nòi Việt Nam và các loại tệ nạn xã hội như trình bày, hay "thùng rác nhân dân" tiếp tục trở thành nơi tốt nhất để trút toàn bộ?!

Kết

Ngày 15/10/2014, bản "Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô" được gửi đến Văn phòng Quốc hội tại địa chỉ 56-58 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, Sài Gòn cùng với Ban Dân Nguyện theo địa chỉ 22 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội, do 3 người Việt Nam đại diện: Phạm Thanh Nghiên. Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Xuân Nghĩa.

Không rõ Quốc hội nước CHXHCNVN sẽ phản ứng như thế nào, chỉ biết - Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền từng định nghĩa [10] "Quốc hội là hội nghị toàn quốc" (!). 



____________________________________



[*] "Tri" và "thức" - đều được đông đảo công nhận - có nghĩa là "biết". "Người có tri thức" nghĩa là người thấy và biết sự vật hiện tượng một cách sâu sắc thông qua giáo dục và tự giáo dục. Người có tri thức không đồng nghĩa phải có bằng cấp các loại: cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ v.v...

Người đời có câu ca dao:
Ví dầu cầu ván đóng đinh 
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời

Ý nghĩa: Ngoài ca ngợi đức tính hy sinh của bậc sinh thành, câu ca dao còn chỉ ra, học ở "trường đời" bao giờ cũng là "biển học mênh mông", học hoài không hết, khó và khổ gấp ngàn lần những gì mà con người nhận được trong "trường học".

Về chữ "tri", người ta cũng biết:
Họa hổ họa bì nan họa cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm

Nghĩa là:

Vẽ cọp thì vẽ được hình dáng bên ngoài (bì là da), khó có thể vẽ được bộ xương (cốt)
Biết người biết mặt không biết được trong lòng (tâm) họ. 

Khác với chữ "tri", người đời có chữ "trí", tuyệt đại đa số người được gọi là "trí thức" nghĩa là người biết (thấy) sự vật, hiện tượng thông qua học hành, nghiên cứu lâu năm và thường có bằng cấp cao: cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư v.v... Những bậc trí thức khi dùng "tri thức" để phục vụ cho lợi ích nhân loại (dân tộc, cộng đồng) đều đáng kính trọng và vinh danh. Nếu người trí thức chỉ dùng khả năng phục vụ cho lợi ích cá nhân, dòng tộc hay cho chế độ, họ chỉ nên được gọi là "lao động trí óc" để phân biệt với "lao động chân tay" - vốn không đòi hỏi quá nhiều "tri thức" tích lũy từ "trường học" đến "trường đời".