Đêm giao thừa (Qúi Tỵ 2013) năm ngoái, tôi có viết về Mẹ. Tuy mẹ là mẹ của riêng mình, nhưng tôi nhận được khá nhiều sự đồng cảm từ bạn bè, cũng như người thân. Và năm nay, vào cái giờ phút linh thiêng, vần vũ của đất trời, tôi đã đặt bút định viết về cha. Nhưng hình ảnh cha thoắt ẩn, thoắt hiện trong trí nhớ non nớt của tôi. Bởi khi cha mất còn rất trẻ và tôi lại còn quá nhỏ. Có lẽ, hằn sâu trong ký ức tôi nhất, hình ảnh ngày tết, ngày xuân, đội cờ đỏ ập vào nhà thu đồ nghề và bắt cha đi, vì can tội khám, chữa bệnh lậu cho những người dân cù bất cù bơ, không có tiêu chuẩn vào trạm xá, hoặc bệnh viện…
Đang mông lung như vậy, chợt tiếng chuông điện thoại, cắt ngang dòng suy nghĩ ấy. Thì ra, ông bạn quen đã gần ba mươi năm, từ thời cùng sống trong cư xá Grünau, thành phố Leipzig. Hắn bảo, ngày tết trốn ồn ào, lễ lạt, nhậu nhoẹt chúc tụng, dắt vợ sang Singapore nghỉ ngơi, vừa giảm cân đỡ bệnh tật, lại tránh được phiền toái… Hàn huyên một hồi, trước khi tắt máy, hắn còn đùa, gần chục năm không về, uổng phí quá. Việt Nam bây giờ đang nhiều chân dài, còn sức nên về chiến đấu, chứ để mấy năm nữa Batterie leer (hết pin) thì hỏng hết bánh kẹo đấy.
Coi nhau là bạn, nhưng thật ra hắn thuộc thế hệ trên tôi. Trước khi sang Đức, hắn đã là người lính vượt Trường Sơn vào Nam oánh cho “Mỹ phải cút, Ngụy phải nhào“. Lại là đảng viên, mỳ chính cánh, nên sau chiến tranh, hắn được cộng mấy điểm, khi thi vào đại học. Ra trường, hắn được ẵm về một cơ quan trung ương, làm trong phòng hành chánh. Nghe có vẻ oai phong, sang trọng, nhưng ngày đó những năm đầu 1980, mấy thằng tư bản đang dãy chết, chưa được phép mang ngoại tệ vào Việt Nam, làm hỏng đường lối kinh tế của cụ Mác. Và phong trào nuốt, ngậm, bán chác, thu hồi đất cát, cũng như tình trạng xin, vay tiền nước ngoài, không như bây giờ, nên hắn chẳng có gì để chấm mút, móc máy. Do vậy, lúc nào hắn cũng trong tình trạng khát, vật vờ. Cái đói thường trực, dài cả cổ họng ấy, buộc hắn phải tìm kiếm.
Coi nhau là bạn, nhưng thật ra hắn thuộc thế hệ trên tôi. Trước khi sang Đức, hắn đã là người lính vượt Trường Sơn vào Nam oánh cho “Mỹ phải cút, Ngụy phải nhào“. Lại là đảng viên, mỳ chính cánh, nên sau chiến tranh, hắn được cộng mấy điểm, khi thi vào đại học. Ra trường, hắn được ẵm về một cơ quan trung ương, làm trong phòng hành chánh. Nghe có vẻ oai phong, sang trọng, nhưng ngày đó những năm đầu 1980, mấy thằng tư bản đang dãy chết, chưa được phép mang ngoại tệ vào Việt Nam, làm hỏng đường lối kinh tế của cụ Mác. Và phong trào nuốt, ngậm, bán chác, thu hồi đất cát, cũng như tình trạng xin, vay tiền nước ngoài, không như bây giờ, nên hắn chẳng có gì để chấm mút, móc máy. Do vậy, lúc nào hắn cũng trong tình trạng khát, vật vờ. Cái đói thường trực, dài cả cổ họng ấy, buộc hắn phải tìm kiếm.
Bán sức lao động ở nước ngoài, là con đường duy nhất, kéo vợ con ra khỏi cơn khủng hoảng, suy dinh dưỡng toàn phần, hắn có thể thực hiện được. Nào là có quen cả với những Tuấn, Vui, Xuân ở cục hợp tác lao động, nhưng không có đạn bắn, dù đã qua ải thi tiếng Đức, hắn vẫn trượt chân làm đội trưởng như thường. Không thể sống trong sự may rủi, chờ đợi, hắn xung thẳng vào đội quân đánh thuê ở nhà máy dệt may Leipzig.
Được mấy năm, bức tường Berlin sụp đổ, đã có lưng vốn kha khá, cộng với tiền đền bù, hắn chuồn về với vợ con. Trong lúc tranh tối, tranh sáng, đạn dược dư thừa, hắn bắn rụng giá treo, ngồi vào nghế trưởng chi nhánh Hà Nội cho một tổng công ty của nhà nước có trụ sở chính ở Sài Gòn.
Nhưng cái sự đời, của chung không ai khóc, công ty của hắn húp hít nhiều hơn làm ra của cải vật chất, nên hàng năm phải xin ngân sách nhà nước, (thật ra hút tiền thuế của dân) để bù lỗ. Văn phòng chi nhánh của hắn to vật vưỡng, chỉ là nơi xe pháo ra vào nghỉ chân, đàn đúm nhậu nhoẹt của các đấng ngồi trên. Hắn có công đóng góp không nhỏ vào sự tàn phá và bòn rút này. Công ty, nhà máy càng xập xệ, thâm thủng bao nhiêu, thì hắn càng hồng hào béo tốt bấy nhiêu.
Rồi đánh đùng một phát, hắn được hưởng lộc của giời. Công ty của hắn cổ phần hóa. Thế là, đám cánh hẩu, định giá đất cát, tài sản công ty của hắn từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, rẻ như bèo. Và cũng chẳng có ông bà công nông dân thấp cổ bé họng nào, vào đây mà tranh giành đóng góp, mua bán với bọn hắn được. Cổ phần của hắn nhiều chỉ đứng sau tay chủ tịch hội đồng quản trị, đương nhiên hắn được nhảy tót lên nắm giữ chức tổng giám đốc. Từ đây, tài lộc của hắn, cứ tịnh tiến. Lấy chỗ nọ đập chỗ kia, tay không bắt giặc, hắn nắm giữ cổ phần tài sản của nhiều công ty, nằm rải rác trong nước. Đất đai, nhà cửa của những địa chủ “cường hào đại gian đại ác“ bị xử bắn trong cải cách khi xưa, chỉ đáng xếp vào hạng đàn em hắt hơi, xì mũi của hắn mà thôi.
Thật là, có khác gì cướp ngày. Cho nên có lần tức khí, tôi hỏi hắn, ông làm thế không sợ có lúc bị mắc nghẹn, chết tươi như thằng Dũng Cảng( Dương Chí Dũng, nguyên cục trưởng hàng hải- là cựu công nhân lao động ở Đức) hay sao? Hắn cười sằng sặc, văng tục: Mua bán đàng hoàng, dây rợ từ trên xuống dưới, chết thế đéo nào được. Dũng Cảng còn nhiều điều uẩn khúc, nhưng nó chết là phải. Còn những thằng cựu công nhân từ Đức về, như tao, Tuấn Thổ(Nông Đức Tuấn)… tằng tằng, còn lâu mới chết nhé.
Đích nhắm tiếp theo của hắn, là rỉa rói một số tài sản, nằm trong 500 doanh nghiệp, nhà máy, nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa đến năm 2015 đấy. Qủa thật, nghe nhà nước sẽ cổ phần hóa 500 doanh nghiệp, không riêng tôi mà rất nhiều người có tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui vì từ nay người dân đỡ bị rút máu nuôi cái đám vật vờ, ký sinh. Buồn vì đất đai tài sản của đất nước lại rơi vào tay bọn đại cường hào mới. Với cái cụm từ cổ phần hóa này, chẳng qua nó là một mĩ từ, che đậy sự biến của công thành của riêng một cách hợp pháp mà thôi. Việc cổ phần, tư nhân hóa là trở lại cái cũ, ông cha ta đã sống với nó, từ mấy ngàn năm qua rồi.
Nhân nhắc đến những cựu công nhân lao động ở Đức, dựa vào vây cánh, gia đình, đường quan (lộ) thẳng tiến, giầu sang ngất ngưởng, làm tôi nghĩ đến ba ông em sang Đức cùng thời, nhưng lại phải về thế giới bên kia quá sớm. Ba ông em này, đều là công nhân hợp tác lao động ở cùng thành phố Leipzig với tôi. Một tên có bố là ủy viên bộ chính trị ĐCSVN và một có bố ủy viên trung ương đảng. Còn cái thằng thân với tôi nhất, nguyên là sinh viên trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Can tội đánh nhau trên sân bóng, hai thằng đều bị thương. Nhưng thằng đánh nhau với hắn có bố làm ở trung ương to hơn chức phó chủ tịch tỉnh của bố hắn, nên hắn bị đuổi học. Buồn chán hắn sang Đức lao động. Sau đó, hắn có bố vợ nguyên là sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã viết một truyện ngắn về hắn với tựa đề, Bức Hình Cũ.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, dù bố còn đương chức, kêu gọi về với công việc và tương lai rộng mở. Nhưng cả ba ông em, dứt khoát từ chối, ở lại nước Đức và chọn công việc gian khổ nhất bán hàng ngoài chợ, rồi đều trở thành những thợ lắc chảo.
Phải nói ba ông em này, rất khí khái, ngoan và lễ phép, có một chút ngang tàng đáng yêu. Nhưng cả ba đều đoản thọ, mất vào cái tuổi trên ba mươi. Chỉ ông em có bố là ủy viên bộ chính trị, bị ung thư gan, biết trước, nên đã kịp đưa về, mất trên đất mẹ. Hai ông em còn lại, đang khỏe như trâu, xóc chảo như điên, đột nhiên bị Schlaganfall (nhồi máu cơ tim), mất ngay trong đêm. Làm cho bạn bè như chúng tôi kinh hãi, đau đớn. Không phải là người mê tín hay tướng số, nhưng trước ba cái chết, có sự trùng hợp kỳ lạ này, đến nay tôi vẫn chưa tìm ra lời giải đáp?
Gần đây, báo chí trong nước, không hiểu hay cố tình không hiểu ý nghĩa câu thành ngữ “danh gia vọng tộc“ để viết về gia đình cũng như bản thân Dương Chí Dũng, cựu Kollege(bạn đồng nghiệp) có thời cùng cảnh làm thuê, cuốc mướn ở Đức với chúng tôi.
Gần đây, báo chí trong nước, không hiểu hay cố tình không hiểu ý nghĩa câu thành ngữ “danh gia vọng tộc“ để viết về gia đình cũng như bản thân Dương Chí Dũng, cựu Kollege(bạn đồng nghiệp) có thời cùng cảnh làm thuê, cuốc mướn ở Đức với chúng tôi.
“Danh gia vọng tộc“ chỉ những gia đình danh tiếng, chức cao quyền lớn, được mọi người yêu mến và thật sự kính trọng. Tôi không rõ xuất thân của ông Dương Khắc Thụ, cha của Dương Chí Dũng. Nhưng việc ông đưa con cái, dòng họ, trong đó có Dương Tự Trọng, tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa vào ngành cảnh sát, dưới quyền quản lý trực tiếp của mình, tạo nên vây cánh. Thì quả thật, với ông chỉ còn là sự kính sợ, chứ không phải là kính trọng, trong con mắt người đời.
Có câu đồng dao lưu hành trong giới học đường “ Dốt chuyên tu, ngu tại chức“. Tất nhiên, không phải ông bà chuyên tu, tại chức nào cũng ngu và dốt. Nhiều người tự học vẫn giỏi như thường. Nhưng với đồng chí cựu công nhân xuất khẩu Dương Chí Dũng, chỉ cần tráng mỡ ba năm tại chức, đồng chí phọt thẳng lên Tiến sỹ ở trường Đại học thương mại. Khi tôi điện và hỏi thằng bạn phó giáo sư, Tiến sỹ thật (không phải TS đểu vì nó học và làm tiến sỹ ở Canada) đang giảng dạy ở trong nước, về luận văn TS của Dương Chí Dũng. Nó không trả lời, chỉ nghe trong máy có tiếng cười đểu đểu đập thẳng vào tai. Như vậy, cái bằng Tiến Sỹ của Dương Chí Dũng sinh ra để hình thức hóa sự tiến chức, thăng quyền mà thôi. Chứ con người đạo đức, giỏi giang thật sự ai đi làm cái chuyện tàn phá đất nước một cách dã man đến thế.
Như vậy, cái danh, cái vọng gì cho gia đình Dương Chí Dũng ở đây? Vâng! Có lẽ cái danh đó, chỉ là danh giả và sự trọng vọng ấy cũng chỉ còn là sự coi thường, khinh bỉ? Khi báo chí đang cố vớt vát, che đậy lại cho cái bộ mặt thật đó.
Nhưng có một điều khó hiểu, trong vụ án Vinalines, không thấy cơ quan nào, nhắc đến trách nhiệm các bác cấp trên của Dương Chí Dũng. Chả lẽ, các bác vẫn giữ thói quen, được khoe, thua không biết hoặc im lặng…Thành ra vẫn phải nói: Không có cái nghề gì dễ bằng làm quan thời nay.
Năm mới cầu mong, ông bạn (cùng thời lao động ở Đức) hãy tránh xa (quả bom) 500 công ty sắp được cổ phần hóa. Đêm giao thừa năm tới, vẫn còn gọi điện được cho tôi. Bằng không, phải ngồi viết văn tế sống như cho cựu Kollege Dũng Cảng thì buồn lắm.
Leipzig- ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014
Đỗ Trường