NỔ LỰC CỦA DÂN TỘC VIỆT LÀ CHÍNH !!! KHÔNG NÊN TRÔNG CHỜ VÀO CHÍNH QUYỀN HOA KỲ

Bà Trần Thị Ngọc Minh giục Mỹ đòi VN ngưng chà đạp nhân quyền

Thân mẫu của một nhà tranh đấu cho quyền lao động đang bị cầm tù ở Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ dùng một hiệp ước mậu dịch Thái bình dương để gây áp lực đòi Hà Nội chấm dứt những vụ vi phạm nhân quyền trên diện rộng.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (16-1-2014) tại Quốc hội Mỹ, bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của nhà tranh đấu Đỗ Thị Minh Hạnh, nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam rất muốn tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương TPP, là thương ước đang được điều đình giữa 12 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia.

Bà Minh cho rằng việc này mang lại một cơ hội rất tốt để Hoa Kỳ đòi hỏi Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có con gái bà, và cải thiện điều kiện làm việc của công nhân và quyền lao động ở Việt Nam.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đặt TPP làm một ưu tiên hàng đầu và xem đây là một cách để củng cố các mối quan hệ giữa Washington với Á châu, một khu vực rất năng động về kinh tế.

Nhưng hiệp định này gặp phải sự chỉ trích bên trong đảng Dân chủ của ông Obama và nhiều nhà lập pháp đã nêu ra những mối quan tâm về quyền lao động và những vấn đề khác.

Dân biểu Chris Smith, thuộc đảng Cộng hòa, cũng lên tiếng bày tỏ quan tâm về TPP. Ông cho rằng Washington đã giảm thiểu áp lực quá sớm trước khi bình thường hóa quan hệ thương mại với Việt Nam. “Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta nói rằng hãy tăng cường quan hệ thương mại, mà không đặt ra điều kiện nào,” ông Smith phát biểu như thế hôm thứ Năm.

Bà Minh đã phải rời Việt Nam sang Áo vì điều mà bà cho là những áp lực phát xuất từ những hoạt động tranh đấu của con bà.

Bà cho báo chí biết rằng các nhà hoạt động ở Việt Nam phải đối mặt với những vụ hành hung mà bà đã tận mắt trông thấy khi bà đưa con bà tới cơ quan công quyền để làm lại giấy tờ tùy thân.

Các tổ chức nhân quyền và chính phủ Hoa Kỳ nói rằng trong những năm vừa qua Việt Nam đã gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng trong nước. Hội Ân xá Quốc tế tháng 11 năm ngoái đã ghi tên 75 người trong danh sách tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Chính phủ ở Hà Nội nói rằng họ đạt được nhiều tiến bộ trong lãnh vực nhân quyền và tháng 11 năm 2013 Việt Nam đã ký kết Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc.