NHÂN DÂN VIỆT NAM NHÌN ĐÂY MÀ TIN MÀ TÔN THỜ CỘNG SẢN

Trận Địa Mai Phục Lòng Dân

Ngô Hữu Hạnh (BVN - 18.1.2014): Thưa ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an kính mến!

Tranh thủ lướt web, tôi đã đọc được bài phát biểu đáp từ của ông Bộ trưởng Bộ Công an dành cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị sơ kết 3 năm đăng trên Báo CAND online ngày 15/01/2014 với tựa đề: “Công an trong lòng dân”.

Lâu nay, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là ông được may mắn hơn so với mọi người khác, những người mà họ hay châm biếm một cách mỉa mai rằng: “bằng cấp không bằng bằng lòng”. Trong khi đó, ông lại có được cả hai: bằng cấp học vị là giáo sư tiến sĩ, bằng lòng là được làm Bộ trưởng Bộ Công an hùng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chỉ trong vòng hai năm ông được lên lon vù vù từ Trung tướng lên Thượng tướng, rồi Đại tướng. Câu chuyện mà tôi kể ra đây đã buộc tôi phải bàn luận về ông, để mọi người có dịp cùng nhau bàn luận về một điều thứ ba – “năng lực” – xem có hội tụ trong ông hay không?

Hôm đó, tôi quyết định đi tới vài điểm làm việc ở ngoại thành, từ cầu Sài Gòn, theo xa lộ Hà Nội tôi chạy xe bon bon trên những đoạn đường mới nâng cấp mở rộng, không nhìn thấy bóng cảnh sát giao thông nào cả, nhưng tôi cũng tự nhủ mình chạy xe cẩn thận, quan sát kỹ càng để giữ gìn cho những ngày gần tết được an toàn về mọi mặt. Đoạn từ khu du lịch Suối Tiên hướng về nghĩa trang thành phố, làn đường dành cho xe máy mới mở rộng vô sát khu du lịch thì mặt đường thấp lút đầu so với nền đường cũ. Xe tôi chạy đến gần ngã tư khu Nghĩa trang Liệt sĩ. Cụm đèn báo ngã tư đã hiện màu xanh, tôi từ từ vượt qua ngã tư thẳng tiến như mọi lần. Đường trước mặt quen thuộc và rộng rãi, nhưng cách trước mặt tôi khoảng 30 mét, vài cảnh sát giao thông đang dừng xe của những người chạy trước tôi lại. Tôi từ từ chạy tới thì cũng bị dừng xe lại; lúc này có khoảng 15 người đang bị dừng xe lại như tôi. Từng cảnh sát giao thông tách từng người bị dừng xe ra chỗ riêng để làm việc. Tôi quan sát thấy bên phải có một làn xe mới mở có những người chạy xe máy đang chạy cùng chiều. Đoạn đường mới mở chạy vòng cung từ ngã tư lên dài khoảng 200 m rồi nhập trở lại xa lộ Hà Nội. Lúc này có khoảng 20 cảnh sát giao thông được triển khai đứng dàn ra trên một đoạn dài khoảng 200m tính từ chỗ tôi bị dừng xe đến qua chỗ giao nhau giữa xa lộ Hà Nội với đường vòng cung làn xe máy mới mở. Tôi nói, có gì thì thông cảm nhé, chứ nhà thì ở xa mà gần tết rồi. Viên cảnh sát giao thông nói: “Chạy vào đường cấm, giam xe qua tết chứ nói gì”. Tôi thấy nổi da gà. Viên cảnh sát giao thông nói tiếp: “Một triệu hai, giấy tờ!”. Tôi rút ví đưa giấy đăng ký xe và bằng lái cho anh ta. Viên cảnh sát giao thông nói tiếp: “Chạy vô đường cấm giam xe 30 ngày. Nộp tiền không? Không thì lập biên bản giữ xe lại”. Tôi nghe thấy choáng váng, nói: “Được, để tôi nộp. Một triệu được không?”. Viên cảnh sát giao thông nói lớn: “Nộp một triệu thôi”. Tôi xòe tiền ra. Anh ta rút tiền và trả lại giấy tờ xe cho tôi. Từ khi dừng xe đến khi giải quyết xong chỉ hết khoảng ba phút. Ở những tình thế như thế này, tôi tự nhủ rằng có đứng tranh cãi lý lẽ thì mình cũng không thể thắng được, chỉ có người nào thật dữ dằn thì mới có thể thắng được.

Tôi lưỡng lự, ý muốn hỏi là chạy thẳng hay quay lại. Viên cảnh sát giao thông hiểu ý, anh ta ngoắc “chạy thẳng” đi. Thật là kỳ lạ, tôi chạy xe thẳng trên đoạn đường mà viên cảnh sát giao thông nói là đường cấm, và ngang qua gần 20 cảnh sát giao thông nữa mà không ai dừng xe tôi. Đến điểm giao nhau giữa cung đường làn xe máy mới mở với xa lộ, trước mặt tôi có khoảng năm thanh niên trẻ chạy từ cung làn đường xe máy mới mở vào xa lộ liền bị một viên cảnh sát giao thông dùng gậy dừng hết xe lại. Chỗ này cũng có khoảng 15 người đang bị dừng xe và có rất đông cảnh sát giao thông đứng. Tôi nghĩ lạ, bị cho là chạy vô đường cấm cũng bị dừng xe phạt, vậy mà nhiều người chạy đúng đường cũng bị dừng xe. Về suy nghĩ hồi lâu thì mới hóa giải được vấn đề, do xa lộ Hà Nội mới mở rộng nâng cấp (nhưng chưa xong toàn tuyến), làn đường ô tô, xe máy được rộng hơn, thông thoáng hơn nên cảnh sát giao thông khó bắt lỗi phạt người điều khiển xe được. Đa số người tham gia giao thông chấp hành khá tốt, khiến cho cảnh sát giao thông chạy lòng vòng mà đói. Từ đó, các cảnh sát giao thông mới điều nghiên ra “trận địa mai phục lòng dân” những ngày gần tết cổ truyền dân tộc. “Trận địa” đó ngay ngã tư nghĩa trang liệt sĩ thành phố như tôi vừa miêu tả ở trên.

Trong vụ này, chính quyền và cảnh sát giao thông TP HCM có những cái sai như thế này: chỉ trong vài phút mà có khoảng 15 người chạy vào “đường cấm”, vậy cả ngày con số này sẽ là rất nhiều. Như vậy việc lập bảng báo phân làn đường mới và đường cấm làm chưa tốt nên có nhiều người không nhận ra. Trong trường hợp này, ngành giao thông phải thiết kế lại bảng báo để cho mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy. Đồng thời, khi phân làn đường mới, cấm làn đường cũ thì thường ngành chức năng phải bố trí người trực điều khiển giao thông để nhắc nhở và hướng dẫn người tham gia giao thông quen với làn đường mới. Toàn bộ tuyến đường thi công chưa hoàn thành thì phải cử người hướng dẫn giao thông là chính chứ sao lại đi xử phạt như thế? Đây có phải chăng là hiện tượng lực lượng cảnh sát giao thông TP HCM lợi dụng sơ hở và quan liêu của ngành chức năng và chính quyền để lập ra “trận địa mai phục lòng dân”?

Việc điều động gần 20 cảnh sát giao thông đến “trận địa mai phục lòng dân” nêu trên thì ít nhất cũng thuộc thẩm quyền của cấp trưởng, phó phòng cảnh sát giao thông TP HCM. Trong vụ này có thể là chiến dịch của cảnh sát giao thông TP HCM làm “luật” để lập quĩ đen nhằm chia chác nhau vào dịp tết nguyên đán 2014. Ba phút đồng hồ mà tôi quan sát thấy nhiều như thế, những ngày hôm trước và những ngày hôm sau nữa sẽ còn rất nhiều người chạy vào đoạn đường cấm và lực lượng cảnh sát giao thông TP HCM sẽ thu được rất nhiều tiền để chia nhau dịp tết hẳn là rất ấn tượng.

Trở lại bài diễn văn đáp từ, Bộ trưởng Trần Đại Quang nói: “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; chấp hành nghiêm kỷ luật, tận tụy với công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, hun đúc bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức; giữ vững kỷ cương, kỷ luật, không dao động trước sự tấn công, phá hoại, lôi kéo, tha hóa, đả kích và bôi nhọ của các thế lực thù địch, phần tử xấu và tội phạm, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh, khách quan mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm theo tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai. Quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.”

Cũng gần đây, tại cuộc họp của Chính phủ ngày 2/12 Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết thêm chi tiết rằng “vì lực lượng mỏng... nếu chia bình quân chỉ tính riêng quốc lộ, mỗi CSGT phải đảm đương 70km đường và chia nhau trực 24/24h”.“Thực ra mỗi ca trực, tiền bồi dưỡng của mỗi chiến sĩ chỉ mua được cái bánh mì. Số tiền xử phạt theo quy định phải nộp về cho Bộ Tài chính.” (nguồn BBC, 06:57 GMT - thứ tư, 4 tháng 12, 2013).

Tôi rất tâm đắc trước những phát biểu của Bộ trưởng Trần Đại Quang như thế, nhưng vẫn băn khoăn về “năng lực” của ông? Cái điều thứ ba này mới là hệ trọng nhất của một con người có ích cho xã hội.

Tôi chưa dám hỏi Bộ trưởng Bộ Công an về những vụ đại án như Dương Chí Dũng (Bộ trưởng đã áp dụng biện pháp đặc biệt gì để Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ không thể dùng quyền lực xóa chứng cứ sau khi bị Dương Chí Dũng khai báo có đưa hối lộ 500.000 USD?). Tôi chỉ hỏi một câu đơn giản về một vụ giản đơn: Bộ trưởng nói rất tâm huyết là: “Công an trong lòng dân”, tại sao Bộ trưởng lại để lực lượng CSGT TP HCM lập ra “trận địa mai phục lòng dân” như câu chuyện tôi kể rất thật ở trên?

Trân trọng kính chào Bộ trưởng Bộ Công an!

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/01/2014