ĐÊM GIAO THỪA, NGHĨ VỀ CÁI CAO CẢ VÀ HY VỌNG MỘT CUỘC HÒA GIẢI DÂN TỘC





Xung quanh đám tang một nhà chí sỹ ái quốc,
nghĩ về cái cao cả và hy vọng một cuộc hòa giải dân tộc

Đào Tiến Thi

Chúng ta nên đẹp, quanh cái chết một người thân
(Nguyễn Tuân)
Lời đề từ trên là câu của nhà văn Nguyễn Tuân nói với các bạn bè văn nghệ sỹ vào đêm trước tiễn đưa nhà văn yểu mệnh Vũ Trọng Phụng về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong cuộc họp mặt ấy, Nguyễn Tuân và các nhà văn đương thời nhắc lại cuộc đời của nhà văn họ Vũ, một người sống quá “phải chăng”, nghĩa là mực thước quá, nghiêm chỉnh quá, không đúng kiểu người văn nghệ sỹ thuở ấy, khiến cho những người quen “lệch chuẩn” như Nguyễn Tuân nhiều lúc cảm thấy khó chịu. Và một người “kềnh càng” như Tản Đà, theo Nguyễn Tuân, càng không thể dung hòa với cái tính “thiết thực” của Vũ Trọng Phụng: “Hai người ấy bây giờ đã là ma, cùng thở hơi cuối cùng ở một xóm Cầu Mới, số nhà 71 và 73, cùng yên nghỉ ở một nghĩa trang. Chắc ở dưới ấy, giờ gặp lại nhau, hai người tránh sao được cái lủng củng, nếu hai hồn ma không chịu nghĩ đến cái tàn lạnh cuộc đời chung của tài hoa mà chịu đựng lấy nhau” (Một đêm họp đưa ma Phụng, 1939).
“Vênh” nhau như thế, nhưng trước cái chết của bạn, họ đã rất đẹp. Đẹp ở chỗ bỗng nhận ra vẻ đẹp của người bạn xấu số: những sự “thiết thực” của Vũ là chu đáo, thủy chung và tài thượng phân minh hiếm có. Đẹp ở chỗ bỗng thấy thương nhau hơn, tìm cách xích lại gần nhau hơn. Họ  “thức cả đêm bàn tán về chuyện nên sớm nghĩ đến việc Hội Ái hữu Nhà văn”. Riêng Nguyễn Tuân còn đẹp cả quần áo, khi ông cố “nương nhẹ” bộ sơ mi, “giữ sao cho vẹn màu hồ, để ngày mai đưa Phụng nó lên đường”.
Trở lại, xung quanh cuộc lên đường của nhà chí sỹ Lê Hiếu Đằng (khi nào có điều kiện, tôi sẽ nói vì sao tôi dùng danh xưng này cho ông; có lẽ cho đến bây giờ chỉ có tôi và TS. Nguyễn Xuân Diện dùng như thế), tôi thấy có rất nhiều tấm lòng đẹp, cử chỉ đẹp, dù họ ở “lề trái” hay “lề phải”, ở bên “thắng cuộc” hay bên “thua cuộc”.
(Xin không bàn ở đây những hành động phá đám của mấy côn đồ vô danh ẩn mặt. Dù đằng sau họ là ai, thì rốt cuộc họ đã không phá đám nổi. Và cuối cùng, như ta thấy, cái đẹp đã chiến thắng)
Là đẹp, khi các thầy thuốc ở Bệnh viện 115 Sài Gòn đã tận tâm chạy chữa, bày tỏ thiện cảm ngầm với một nhà “bất đồng chính kiến” đang bị theo dõi và báo chí chính thống mạt sát.
Là đẹp, khi nghe tin ông Lê Hiếu Đằng lâm bệnh, khắp nơi, cả đồng bào trong nước và đồng  bào ở nước ngoài, cả trí thức và những người công nhân, nông dân đã thăm hỏi, quyên góp và làm mọi việc có thể, mong giúp ông Đằng qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Và khi nhà chí sỹ nằm xuống thì có rất nhiều người (kể cả không quen biết) đến viếng và tình nguyện giúp rập việc tang ma. Đám tang ông có ngót một nghìn người tham gia. Nếu không sợ bị liên lụy, chắc số người đi tiễn đưa nhà chí sỹ còn đông hơn nhiều.
Là đẹp, khi thành phần Ban lễ tang có cả “lề trái” và “lề phải” mà linh hồn trung tâm, theo tôi, là Bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm (Phó ban Lễ tang), một người đồng chí của Luật gia Lê Hiếu Đằng suốt từ thời phong trào sinh viên, trí thức Sài Gòn trước 1975, cho đến hôm nay, vẫn cùng trong đội ngũ của cuộc tiên phong bảo vệ Tổ quốc và dân chủ hóa đất nước.
Là đẹp, khi khách viếng có cả những quan chức mà tuy hiện nay không còn đứng chung đội ngũ với ông Lê Hiếu Đằng nhưng vẫn coi trọng tình bạn, tình đồng chí năm xưa.
Là đẹp, khi trong số quan chức đến viếng còn có cả cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân, có cả phu nhân của đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (lẽ tất nhiên phải có sự đồng ý của Chủ tịch Trương Tấn Sang). Tôi tin rằng đây không chỉ là chuyện “nghĩa tử là nghĩa tận”, không chỉ là tình đồng chí đồng đội năm xưa, mà còn có phần sâu sắc hơn thế nhiều. Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ghi vào sổ tang những lời mà nếu suy nghĩ kĩ, ta thấy ông đã nhắn gửi trong đó một sự đồng cảm sâu sắc: “Cuộc đời này còn lắm gian truân. Chúc người bạn Lê Hiếu Đằng siêu thoát”. Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân, đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân, khi ở trong hệ thống bộ máy công cụ không phải bao giờ cũng (được) hành động đúng, nhưng khi ở tư cách cá nhân, tôi tin các ông đã hành động theo sự mách bảo của lương tri.
Là đẹp, khi trong lễ truy điệu nhà chí sỹ đã vang lên bài ca Tự nguyện, một bài hát mà thế hệ ông Lê Hiếu Đằng đã hát vang trong các cuộc tranh đấu vì dân tộc và dân chủ. “Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng... Là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”. Đó là sự nguyên khối trong lý tưởng và tình cảm của những Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu,… những sinh viên xuống đường năm xưa và những trí thức mái đầu bạc xuống đường hôm nay. Cái cao cả, thứ tưởng như xa xỉ của hôm nay, lại vút lên từ cái bi thương, cũng như sự sống đã phát sinh từ cái chết.
Bóng ma một ách thực dân mới đến từ phương Bắc ngày càng trùm lên đất nước, trong khi đất nước ngày càng lún sâu vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Nhưng khả năng hội tụ những tấm lòng từ các ngả khác nhau cũng lớn dần lên. Trong cuộc mít tinh (bất thành) hôm 19-1 vừa rồi có những cựu chiến binh (cộng sản) Bắc Việt khóc thương cho những người lính Việt Nam Cộng hòa hy sinh vì Hoàng Sa là điều mà chỉ cách đây 5 năm cũng khó tưởng tượng được. Trong đám tang nhà chí sỹ Lê Hiếu Đằng có cả hai “lề”, như là sự chấp nhận lẫn nhau, trong đó chắc chắn có cả những sự cảm thông nhất định giữa một số cá nhân với nhau. Hy vọng một lúc nào đó, trong khoảnh khắc mất còn của Tổ quốc, những người yêu nước, yêu dân chủ, bất kể ở “lề” nào, sẽ xiết chặt tay nhau cùng chống giặc ngoại xâm. Và tất nhiên, muốn chống được giặc ngoại xâm, thì nhân dân phải là người làm chủ đất nước, tức là phải xây dựng một chế độ dân chủ, pháp quyền.
ĐTT
(Đêm giao thừa Quý Tỵ - Giáp Ngọ)