Khởi Tố Thứ Trưởng Công An, Hành Trình Không Dễ Dàng


Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, ảnh chụp trước đây.
Courtesy chinhphu.vn
Mặc Lâm, RFA - 9.1.2014: Lời tố cáo Thượng tướng Phạm Quý Ngọ tham ô 500 ngàn đô la trước tòa của Dương Chí Dũng mở đầu cho một quyết định khởi tố vụ án nhanh và khá bất ngờ cho người theo dõi.
Bùa hộ mạng đã mất

Chiều ngày 8 tháng 1 năm 2014 Thẩm phán Trương Việt Toàn thay mặt cho Tòa án Nhân dân Hà Nội và Hội đồng xét xử đã công bố quyết định khởi tố vụ án ngay khi tòa tuyên án cho các bị cáo, tức ngay một ngày sau đó.

Khởi tố này căn cứ theo lời khai trước tòa của Dương Chí Dũng là đương sự đã hối lộ cho Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ 500 ngàn đô la và được ông này thông báo cho biết là phải trốn đi. Thượng tướng Phạm Quý Ngọ lúc ấy được phân công làm trưởng ban chuyên án Vinalines mà nhân vật chính của vụ án này là Dương Chí Dũng.

Vụ án Dương Tự Trọng đã xử xong, những lời khai chấn động của ông Dương Chí Dũng tuy vẫn còn dư âm nhưng xem ra ngày một ít đi vì người ta chờ đợi diễn tiến mới sau quyết định khởi tố của Tòa án Nhân dân Hà Nội.

Nói chuyện với báo chí sau phiên tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết lời khai và các chứng cứ như sổ tay và các cuộc gọi của Dương Chí Dũng là căn cứ để khởi tố hồ sơ vụ án.

Câu hỏi đặt ra khi chấp nhận sổ tay ghi chép của người bị án từ hình trở thành chứng cứ để tiến hành điều tra thì có đúng với quy định của tư pháp hay không, nếu đây có thể là chứng cứ giả được tạo ra khi Dương Chí Dũng trên đường bỏ trốn thì sao? Câu hỏi này được Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời:

“Nhật ký diễn biến của một người cũng là chứng cứ, nó cũng được xem là nguồn chứng cứ để người ta làm đầu mối điều tra theo dõi cũng như nhật ký, các mối quan hệ giờ giấc đi lại hay giao tiếp. Tất cả những cái đó hình thành chứng cứ người ta dựa vào đó. Mình tưởng là chứng cứ chết nhưng khi dựng lại thì nó sống khi có căn cứ pháp lý, tức là căn cứ khoa học nhìn nhận việc đó. Việc chứng minh cũng là trách nhiệm của cơ quan điều tra. Chứng cứ đó rất quan trọng nhưng nó phải được chứng minh.”

Người ta còn nhớ trong phiên tòa của chính mình trước đó Dương Chí Dũng rất tự tin và thậm chí còn làm thơ trước tòa nữa vì ông ta tin rằng lá bài mang tên Phạm Quý Ngọ sẽ được thế lực nào đó âm thầm giảm án cho ông, và vì vậy ông kiên trì không khai ra như một bùa hộ mạng. Thế nhưng bản án tử hình đã làm cho ông tuyệt vọng và tên của Phạm Quý Ngọ được công khai là phản ứng quyết liệt đối với thế lực làm ngơ trước số phận của ông.

Sau khi lời tố cáo của Dương Chí Dũng nổ ra Bộ công an mới công khai rằng sau khi bị bắt tại Campuchia mang về Việt Nam Dương Chí Dũng đã khai toàn bộ sự việc này với cơ quan điều tra của Bộ công an.

Trung tướng Hoàng Kông Tư, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nói với báo chí rằng trước đây trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng đã khai báo về chuyện của Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an.
Ông Dương Chí Dũng được dẫn giải vào phòng xử án hôm
12 tháng 12, 2013

Cũng theo Trung tướng Hoàng Kông Tư thì kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra, nên chưa đủ căn cứ kết luận.

Lời giải thích của Trung tướng Hoàng Kông Tư không làm cho người dân thỏa mãn vì trong phiên tòa xử tử hình ông Dũng Viện Kiểm sát không hề nhắc tới chi tiết cực kỳ quan trọng này.

Luật sư Trần Quốc Thuận nhận xét:

“Cơ quan điều tra họ đã vào cuộc từ lâu rồi mặc dù bây giờ không khai ra như thế nhưng tôi biết những cơ quan an ninh họ đã vào cuộc từ lâu rồi và phiên tòa này chỉ là hình thức thôi. Họ đã bắt đầu khi có lời khai của Dương Chí Dũng, họ đã khoanh vùng điều tra rồi chứ không phải tới bây giờ họ mới giật mình khi nghe Dương Chí Dũng khai tại tòa. Không phải, cơ quan điều tra không thể ngây thơ như thế được. Có lời khai của Dương Chí Dũng có việc Dương Chí Dũng bị lộ khi chạy trốn thì ngay lúc đó họ đã khoanh vùng điều tra rồi.”

Nhiệm vụ bất khả thi?

Dư luận đặt câu hỏi rằng nếu đã điều tra thì tại sao lại dấu chi tiết của một nhân vật quan trọng như vậy? Đúng hay sai thì người bị tố cáo phải trình diện trước tòa án để trả lời. Hành động bịt miệng lời khai của bị can có vi phạm hoạt động tư pháp hay không? Phải chăng công an điều tra công an là một nhiệm vụ bất khả thi nhất là cấp dưới điều tra cấp trên trong cùng hệ thống.

Trong phiên tòa Dương Chí Dũng lần trước cơ quan báo chí tuy được tham dự nhưng bị buộc không được mang theo các phương tiện tác nghiệp như máy thu âm, máy ảnh hay computer. Họ chỉ được mang theo giấy bút và bị cấm chụp ảnh bằng điện thoại.

Phiên tòa lần này hoàn toàn khác, không những được chụp ảnh họ còn được phép thu toàn bộ lời khai chấn động của ông Dương Chí Dũng để cả nước biết rằng không những Thứ trưởng công an Phạm Quý Ngọ đã ăn hối lộ 500 ngàn đô la mà ngay cả Bộ trưởng công an Trần Đại Quang cũng dính vào câu chuyện tham ô này. Dương Chí Dũng tố cáo Bộ trưởng Trần Đại Quang khi khai ông này là người đã “nêu ý kiến với anh Ngọ” để 'anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp”.

Nhà báo Lê Phú Khải làm việc cho Đài Truyên hình Trung ương nhiều chục năm cho biết nhận xét của ông về những thay đổi này:

“Khi họ để báo chí vào đông như thế thì đã có chủ trương của người ta rồi. Tất cả các vụ án người ta đều xử theo chủ trương theo lợi ích chính trị của người cầm quyền chứ không xử theo pháp luật. Nếu theo luật thì nhiều người bị bắt lắm, mấy ông giàu có thế lực thì tiền đâu mà ra? Họ xử theo bước đi theo nước cờ chính trị của người ta thế thôi. Lúc người ta xử thế này nhưng cũng có lúc người ta xử thế khác chứ làm gì có pháp luật trong một chế độ toàn trị?

Theo tôi thì tùy theo không khí, “nghĩa vụ chính trị” của người cầm quyền mà họ sẽ có cách điều hành tòa án điều hành báo chí và thông tin có lợi cho họ. Đây là vụ án tham nhũng có thể nó cần mang tính điển hình hoặc là những thế lực đứng đằng sau họ có những cái quyết định của họ để xét xử từng vụ án một.”

Trong cả hai phiên tòa báo chí không bỏ qua chi tiết về sự tham gia âm thầm của ông Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. Trong phiên xử Dương Chí Dũng ông ngồi một mình nơi phòng riêng theo dõi qua truyền hình trực tiếp và có lẽ cùng với tờ khai của Dương Chí Dũng tố cáo ông Phạm Quý Ngọ gửi cho ông trước đó trên tay.

Lần trước ông trở ra xe với bản án tử hình dành cho Dương Chí Dũng.

Lần này ông theo dõi phiên tòa của Dương Tự Trọng cũng trong phòng riêng và lời tố cáo của Dương Chí Dũng được ông nghe tường tận từng lời từng chữ thay vì đọc trên giấy.

Ông Nguyễn Bá Thanh ra về sau khi nghe lệnh khởi tố vụ án mà điểm nhắm tới lần này là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, đương kim Thứ trưởng công an. Hai hình ảnh này làm giới quan sát nghĩ rằng vai trò định hướng của ông Nguyễn Bá Thanh là rất lớn vì vụ án này được ông xem là một trong 6 đại án cần phải giải quyết.

Giới quan sát cũng cho rằng sau một thời gian im lặng chuẩn bị nếu Ban Nội chính Trung ương thành công lần này trong việc mang Phạm Quý Ngọ ra tòa thì sức mạnh của các phe phái đã đổi chiều tuy chưa biết là tốt hơn hay xấu hơn nhưng ít ra một vài con sâu cực lớn sẽ được bắt ra.
- See more at: http://thanhnienconggiao.blogspot.com/2014/01/khoi-to-thu-truong-cong-hanh-trinh.html#sthash.gE0D1SBZ.dpuf